Báo động về thủ đoạn buôn người mới

Ngày cuối năm, chúng tôi ngược lên huyện vùng cao Kỳ Sơn chót vót xứ Nghệ, tìm đến những địa chỉ không vui về chuyện những phụ nữ vì cuộc sống khốn khó và nhẹ dạ cả tin đã bị kẻ bất lương lừa phỉnh, dụ dỗ đem bán đi giọt máu thân yêu của mình nơi xứ người.

Ngôi nhà của một gia đình có phụ nữ đi bán con ở bản Đình Sơn.
Ngôi nhà của một gia đình có phụ nữ đi bán con ở bản Đình Sơn.

Những chuyến vượt biên xót xa

Trong khoảng một năm nay, lại đang rộ lên “phong trào” những phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao Nghệ An mang thai sắp sinh vượt biên sang bán con cho người nước ngoài. Đây là thủ đoạn buôn người mới!

Xã Hữu Kiệm nằm sát quốc lộ 7 là một trong những địa chỉ có nhiều phụ nữ vượt biên đẻ rồi bán con. Chị Lữ Thị K, 37 tuổi, bản Đình Sơn 1, xã Hữu Kiệm, khuôn mặt vẫn còn vẻ bơ phờ, nhợt nhạt vì vừa vượt qua một chặng đường dài sang xứ lạ bán đi giọt máu thân yêu của mình. Nhiều hộ người Khơ Mú nơi lưng chừng núi này đa số vẫn nghèo, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ đủ ăn vài tháng. Cuộc sống cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, nói chi đến chuyện học hành. Học khi chưa kịp biết hết con chữ, K bỏ theo mẹ lên rẫy rồi lấy chồng người cùng bản, sau đó lần lượt năm đứa trẻ ra đời, lớn lên trong khoai sắn và rau rừng. Chưa dừng lại, đầu năm 2018, Lữ Thị K lại tiếp tục mang thai đứa con thứ sáu. Chồng K cũng không thoát ra được vòng xoáy của nhiều đàn ông Khơ Mú khác ở bản nghèo, nghiện rượu, suốt ngày say xỉn. Vòng đói nghèo khép kín luẩn quẩn cứ bám lấy cuộc sống của người dân nơi đây chưa thoát ra được.

Nước da màu đồng hun đặc trưng của người Khơ Mú, giờ càng thâm đen tím tái thêm trên mặt gầy gò, mái tóc bơ phờ. Chị Lữ Thị K rành rọt kể không giấu giếm: Khi cái thai trong bụng đã lớn, một ngày cuối tháng 8, đến một phòng khám ở trung tâm huyện để siêu âm, gặp một phụ nữ cùng xã tên là Lữ Thị Kh. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình K, bà Kh mật ngọt rủ rê sang Trung Quốc để bán cái thai trong bụng với giá mỗi đứa con là 80 triệu đồng để chi tiêu trong lúc túng thiếu. Khi K đưa chuyện với chồng, nghe đến tiền, trong hơi men, không đắn đo suy nghĩ người chồng lập tức gật đầu. K đã gặp lại bà Kh với thỏa thuận “chỉ việc đi cùng chị ta sang Trung Quốc đẻ xong rồi cầm 80 triệu đồng về, không phải lo chi cả”.

Khoảng bảy ngày sau, Lữ Thị Kh dẫn K ra quốc lộ 7 đón xe đi Trung Quốc. Cùng đi chuyến với K, còn có Lữ Thị Tr, 37 tuổi, ở bản Đình Sơn 2, cùng xã Hữu Kiệm đang mang thai con tháng thứ tám. Từ Nghệ An ra đến Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, xuống xe, đã có một người đàn ông Trung Quốc chờ sẵn rồi nhanh chóng đưa lên thuyền vượt sông, qua bên kia biên giới. Đi thuyền chừng vài tiếng rồi tiếp tục đi hai chặng bằng ô-tô mới dừng lại. Quanh năm suốt tháng chỉ cặm cụi trên nương rẫy, chưa một lần rời bản làng đi xa nên nơi đất người lạ nước lạ cái cả hai người không hề biết đó là nơi nào trên xứ lạ. K và Tr được Lữ Thị Kh dẫn đến nhà một người rồi giới thiệu “đây là người quen”. Tại đây K và Tr nghỉ ngơi và lần đầu tiên trong đời hai người được ăn uống nhiều thứ ngon đến vậy. Họ bảo ăn những thứ đó cho dễ đẻ. Rồi hằng ngày, cả hai người như bị giam trong phòng, không được ra ngoài, không được tiếp cận người lạ. Tại đây gần một tháng, đến ngày sinh con, K và Tr được đưa đến bệnh viện. Đường rất xa, ô-tô phải đi gần bốn giờ đồng hồ mới tới. K kể tiếp, vừa vào bệnh viện thì bắt đầu chuyển đẻ. Vừa lọt lòng, chưa kịp nhìn mặt con, cho con bú thì họ chuyển con sang phòng khác, chỉ kịp liếc nhìn con nhanh qua cánh cửa kính.

Nghỉ ngơi tại bệnh viện khoảng vài tiếng, K và Tr đã phải trở lại nơi ban đầu rồi nhanh chóng thu dọn đồ đạc quay về Việt Nam. Lữ Thị K nhớ rõ, ngày 7-11-2018, cả hai cùng về tới huyện Kỳ Sơn. Về đến nhà cũng là lúc đang thu hoạch lúa mới, K lại phải lên rẫy cùng chồng thu hoạch lúa ngay. Một tuần sau, Lữ Thị Kh gọi điện cho K và Tr lên thị trấn Mường Xén nhận 80 triệu đồng như đã thỏa thuận. Cả hai người cho biết, sau khi nhận tiền từ người môi giới, hai vợ chồng Tr liền lên thị trấn tìm mua xe máy, còn vợ chồng K đã đi tìm mua gỗ làm nhà.

Cũng tại bản Đình Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Moong Thị Th 27 tuổi, lạnh lùng cho biết, chị chẳng cần phải qua môi giới đã tự mình vượt biên mang bụng sang Trung Quốc đẻ xong, bán con lấy tiền rồi về...

Cũng có một vài trường hợp đã bị những kẻ môi giới quỵt ăn hoặc chỉ được trả với giá rẻ mạt. Đó là trường hợp Lữ Thị L, 32 tuổi, bản Đình Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Lương Thị M, 48 tuổi, bản Chà Lắn xã Hữu Lập.

Có trường hợp trong quá trình vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai đã phải bỏ mạng nơi xứ người khiến gia đình càng lâm vào cảnh khánh kiệt. Như chị Moong Thị L 29 tuổi, bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu đang mang thai tháng thứ tám bị tai nạn giao thông tử vong trên đất người. Cùng với chị Moong Thị L còn có ba phụ nữ khác đang mang thai sắp sinh đều trú tại huyện Kỳ Sơn... Thống kê ban đầu, của xã Hữu Kiệm, chủ yếu là phụ nữ người Khơ Mú hai bản Đình Sơn 1 và Đình Sơn 2. Đây là hai bản có phần lớn hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nếu như bản Đình Sơn 1 hiện có ít nhất bảy phụ nữ qua Trung Quốc bán con đã trở về thì bản Đình Sơn 2 có tới 10 phụ nữ. Qua tìm hiểu mỗi đứa trẻ được những người mẹ này bán với giá trung bình từ 40 - 80 triệu đồng, trong đó bé gái có giá cao hơn bé trai.

Báo động về thủ đoạn buôn người mới ảnh 1

Một phụ nữ bản Đình Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn kể lại hành trình đi bán con của mình.

Giải pháp nào để ngăn chặn?

Tại kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra từ ngày 10-12 mới đây, Giám đốc Công an Nghệ An, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đã báo động về thủ đoạn buôn người rất mới này, vừa rộ lên từ khoảng đầu năm 2018 đến nay. Chỉ cách đây khoảng hai tháng, thống kê cho thấy có 22 phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn chủ yếu phụ nữ người Khơ Mú ở xã Hữu Kiệm vừa vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai trở về, hiện tại con số này đã lên gần 30 người.

Để xử lý được hành vi này, hiện nay còn rất khó khăn. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu có hai cách, đó là: cần phải ký lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp định này được ký từ năm 1998, bây giờ cần phải thay đổi, sửa lại để làm sao tạo điều kiện cho Công an nước ta qua bên đó, hoặc Công an Trung Quốc di lý sang Việt Nam để chúng ta xử lý. Cách thứ hai, các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào Luật Hình sự...

Công an Nghệ An đã có văn bản gửi các bộ, ngành T.Ư để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai. Trước mắt chỉ có hai giải pháp đó là tích cực tuyên truyền, đặc biệt là đối với khu vực đồng bào thiểu số tại vùng cao, để người dân khỏi bị mắc bẫy. Ngoài ra, Công an Nghệ An cũng sẽ nỗ lực triệt phá các đường dây mua bán người để làm trong sạch địa bàn..., Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.

“Những phụ nữ đi bán bào thai thường nằm trong diện hộ nghèo và lười lao động. Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là tại các bản có người Khơ Mú sinh sống để người dân không tham gia vào việc này”.
Ông VI HÒE, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An).