Xôn xao mùa lạnh...

Trong khi những cơn gió lạnh tràn xuống miền bắc, đẩy không khí xuống dưới 20 độ C, thì cũng diễn ra khắp nơi những ngày triển lãm và kỷ niệm.

Khởi đầu là một triển lãm rất đương đại có cách gọi dài là “triển lãm công nghệ thực tế tăng cường” mang tên “Tanuki tỉnh giấc” vừa khai mạc tại địa chỉ văn hóa 24 Tràng Tiền (sẽ kéo dài đến tận 28-2-2021). Triển lãm của nữ tác giả Pháp Julie Stephane Chheng là một câu chuyện đầy chất thơ, kể về những linh hồn của rừng rậm tỉnh giấc giữa chốn thành thị - được gọi là Tanuki. Người xem vừa được xem những con Tanuki với kích thước khác nhau được đặt trong ngoài khuôn viên 24 Tràng Tiền, vừa có thể tải ứng dụng thực tế tăng cường (dùng trên công nghệ iOS hoặc Android) để bắt đầu truy tìm kho báu và gặp gỡ các Tanuki trong… điện thoại cá nhân. 

Trước đó, tại số 19 Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khai mạc một triển lãm với tên gọi khá vời vợi là “Công dân Trái đất 2020” với năm tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Linh Chi, Lê Giang, Phạm Thu Hằng, Trần Thảo Miên và Nguyễn Đức Phương. Cái tên “Công dân Trái đất - CITIZEN EARTH” là một dự án của các nghệ sĩ trẻ, được khởi dựng từ năm ngoái 2019. Được trưng bày tại tòa nhà lịch sử của Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội trên phố Lê Thánh Tông, triển lãm mang đến những lối tiếp cận khác nhau về môi trường trong mối liên hệ với lịch sử, tâm linh, đô thị hóa. Một chuỗi sự kiện đặc biệt diễn ra trong khuôn viên triển lãm sẽ là dịp để khán giả khám phá di sản kiến trúc và khoa học tại số 19 Lê Thánh Tông. Đây từng là địa điểm của Viện Đại học Đông Dương và Trường đại học Tổng hợp cũ, công trình được xây dựng từ năm 1927, là nơi lưu giữ những bộ sưu tập mẫu sinh vật và thực vật lâu đời…

Trong khi tại Thủ đô diễn ra những triển lãm mới lạ của giới trẻ trong nước và quốc tế cùng nhìn về quá khứ, hướng đến tương lai như vậy, thì tại cố đô Huế cũng diễn ra một triển lãm nhìn về quá khứ của cặp nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (quê tại Quảng Bình, nhưng sinh sống và làm việc ở Huế hơn 20 năm nay). Triển lãm mang tên “Ảo ảnh” của hai nghệ sĩ này gồm 19 bức tranh bằng chất liệu công nghiệp làm theo phong cách sơn mài và bốn chiếc chum gốm lớn làm theo phong cách “Cửu đỉnh” (9 chiếc đỉnh đồng lớn chạm phù điêu phong cảnh khắp nước, được để trong cung đình Huế). Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác đa phương tiện, các tác phẩm sẽ đưa người xem những câu hỏi về lịch sử quá khứ, đối lập, song hành va đập liên tục với cuộc sống thực tại. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức, cùng được trưng bày tại hai địa chỉ văn hóa bên bờ sông Hương là Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị cho đến hết ngày 6-12-2020.

Cùng lúc với những triển lãm tại Hà Nội và Huế, thì tại Hà Giang và Sơn Tây vừa diễn ra hai cuộc kỷ niệm lớn. Đó là UBND tỉnh Hà Giang vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm - Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO (2010 - 2020) và khai mạc Lễ hội Hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI - 2020. Tại Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) vừa diễn ra Lễ kỷ niệm 15 năm được chính thức công nhận là Di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc quốc gia (2005 - 2020).