Xây dựng hồ sơ di sản cho đàn bầu

Mong khẳng định vị thế đàn bầu với văn hóa Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận nhạc cụ này là di sản văn hóa quốc gia trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản cho đàn bầu

Theo PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tiếng đàn bầu gần gũi với giọng nói của con người (người Kinh) về độ rung, âm vực, luyến láy, có khả năng mô phỏng các cung bậc cao thấp của sáu âm ngữ trong tiếng Việt. Đó là nhạc cụ của giai điệu, thiên về trữ tình, ngân nga, êm đềm, rất phù hợp tình cảm người Việt. Vì vậy, trong âm nhạc cổ truyền của người Việt, đàn bầu luôn đóng vai trò bè chính trong các hình thức diễn tấu: độc tấu, hòa tấu, thậm chí đệm cho hát...

Ngày nay, đàn bầu xuất hiện ở hầu hết các vùng, miền, trong hầu hết các sinh hoạt âm nhạc dân gian, các lễ nghi phong tục, các sân khấu truyền thống, âm nhạc cung đình cho tới các sáng tác mới cho nhạc cụ dân tộc. Duy chỉ có tại một số khu vực của dân tộc thiểu số như khu vực Tây Bắc, người dân thường ít quan tâm đến đàn bầu mà chỉ sử dụng những nhạc cụ đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Thái, Mông…

Không chỉ được sử dụng nhiều tại Việt Nam, đàn bầu còn phát triển tại các nước láng giềng như Trung Quốc hay được đưa vào các bản hòa tấu của dàn nhạc châu Á. Ngoài các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp chơi đàn bầu, còn có một đội ngũ đông đảo những người thực hành đàn bầu nghiệp dư. Họ thành lập các đội nhóm, câu lạc bộ, fanpage để cùng học và trình diễn đàn bầu. Theo TS, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, giá trị của đàn bầu ngày càng được phát huy mạnh mẽ hơn trong đời sống đương đại khi được chơi trong tất cả các hình thức nghệ thuật của nước ta và cả một số hình thức nghệ thuật khác trên thế giới.

Được coi là tâm hồn của dân tộc, được nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích, nghiên cứu nhưng cho đến nay đàn bầu vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bắt đầu đẩy nhanh xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị công nhận nhạc cụ này là di sản văn hóa quốc gia, và tiến tới đề nghị UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới. Trong những bước đi đầu tiên của kế hoạch xây dựng hồ sơ, học viện đã giao Viện Âm nhạc chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho bộ hồ sơ.

Bên cạnh việc thúc đẩy công nhận đàn bầu là di sản, NSƯT Bùi Lệ Chi, Trưởng bộ môn đàn bầu, Khoa Âm nhạc truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết: “Để đàn bầu trường tồn, theo tôi cũng cần phải chú trọng vào công tác đào tạo loại hình nhạc cụ này. Bởi trong xu thế giao lưu, hội nhập, nhiều dòng nhạc du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ yêu thích, đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại những vấn đề liên quan ngành nghề của mình như thực trạng đào tạo, biểu diễn…cho phù hợp”.