Vui gặp nhau ngày Tết Độc lập

Mấy ngày qua, mừng Quốc khánh - Tết Độc lập mồng 2-9, bà con các dân tộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu lại nô nức đổ về trung tâm thị trấn huyện vui ngày hội văn hóa các dân tộc.

Không gian trưng bày ảnh nghệ thuật thu hút bà con tới xem.
Không gian trưng bày ảnh nghệ thuật thu hút bà con tới xem.

Tết Độc lập, xuống chợ “tìm duyên”

Không khí ngày hội văn hóa năm nay như đến sớm hơn với bà con các dân tộc huyện Than Uyên. Thị trấn phố núi xôn xao tiếng nói cười, từng đoàn người nườm nượp đổ về sân vận động, nơi tổ chức ngày hội. Hai bên đường phố cờ hoa băng-rôn rực rỡ chào mừng du khách về vui hội.

Nếu như trước đây để có mặt kịp lễ khai mạc ngày hội, bà con người Mông các xã Tà Mung, Pha Mu, Mường Mít… phải cuốc bộ từ ngày hôm trước. Ai có người quen ở thị trấn thì nghỉ nhờ, còn không thì cứ qua đêm bằng áo mưa vỉa hè ủy ban, hay khán đài A của sân vận động.

Có mặt từ sớm, gia đình anh Sùng A Dơ, xã Mường Mít đã nhanh chân kịp sà vào hàng phở, chắc cũng nhân tiện ngày hội, mới có dịp anh đưa vợ con đi thưởng thức quà nơi phố huyện. Bên bát phở nghi ngút hơi nóng, anh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Tết Độc lập, mình đều sắp xếp công việc đưa gia đình xuống huyện chung vui với bà con. Ngoài việc đi chơi, mua sắm quần áo, mình còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem múa hát, gặp gỡ mọi người thấy vui và ý nghĩa. Tết Độc lập năm nay mình thấy vui hơn nữa, vì đời sống có nhiều đổi mới, đường sá đi lại dễ dàng hơn, không còn nhiều hộ đói nghèo như những năm trước nữa”.

Hòa vào dòng người tấp nập, tôi lại gặp người quen, vì năm nào tôi cũng gặp ông trong ngày Tết Độc lập. Đó là Vàng A Lử, 55 tuổi ở xã Hố Mít, ông đang cắm cúi chọn tìm mua một món quà, tôi đồ rằng món quà A Lử tìm mua chỉ dành cho phụ nữ, vì sạp hàng này độc đồ cho các chị em. Gặp chúng tôi, ông cười và nói như trải lòng: “Ngày Tết Độc lập cả xã mình đi hết, chỉ có những người già yếu không đi được thì ở nhà thôi, khi nào cái chân còn khỏe, là mình lại đưa vợ đi chơi”.

Cách đây gần 40 năm, nhờ có ngày 2-9 mà A Lử đã bén duyên “bắt” được người yêu về trình bố mẹ họ hàng, rồi ăn đời ở kiếp với nhau, đến nay đã có tới năm mặt con, 14 đứa cháu, nhưng đi đâu ông cũng mang vợ kè kè bên mình như “đũa có đôi”.

Chia tay “cặp đôi”, chúng tôi nhanh chân bắt theo các chàng trai dân tộc Mông, Dao vai vác khèn, tay cầm sáo, bước theo các cô gái lộng lẫy trong trang phục. Họ cười nói vui vẻ, rồi nắm tay nhau hòa mình vào dòng người chật như củi bó. Nhìn họ say sưa chuyện trò, tâm sự, chụp ảnh, xin số điện thoại một cách thân thiện; có lẽ, văn hóa, ngôn ngữ lúc này không còn giới hạn.

Ngày hội chung

Tôi và anh bạn đang “trộn” giữa biển người, bỗng giật mình quay lại, bởi một cái vỗ vai, cái bắt tay đến bất ngờ táo bạo. Họ hỏi thật nhiều chuyện, làm chúng tôi phải ngây ra mất vài giây, nhưng rồi cũng đánh liều “chém” vài câu tiếng bản địa “Chư pâu” cùng cái lắc đầu (không biết) làm xã giao. Mọi người thật vô tư thân thiện cứ như người quen trước đó. Tất cả cứ rộn ràng, người người ùa vào nhau quấn quýt.

Ngày hội không chỉ dành riêng cho đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên mà rất đông bà con các huyện lân cận của Sơn La, Yên Bái, Lào Cai cũng tìm về đây chung vui và đã từ lâu họ coi đây như chính ngày hội của dân tộc mình. Chúng tôi dừng chân tại sạp hàng của chị Kháng Thị Dua, dân tộc Mông ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La. Năm nào cũng vậy, cận ngày Quốc khánh, bận rộn đến mấy chị cũng thu xếp về đây từ hôm trước cùng với những sản phẩm bày bán là các trang phục của phụ nữ Mông.

Còn ông Hờ Chớ Rùa (70 tuổi), ở xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái), thì không có sạp hàng, chúng tôi tán gọi ông bằng bố. Hờ Chớ Rùa bị các cô gái Mông bủa kín đến nghẹt thở; hàng “xách tay” của “bố”xem ra rất đắt khách. Đó là những dụng cụ kiểu hình con dao nhỏ làm bằng đồng có cán làm từ tre dài độ gang tay, đây là hàng thủ công do “bố” chế tác, dụng cụ dùng để trang trí những họa tiết trên trang phục người Mông. Để có được những cái váy có những lớp xếp đều, đẹp thì không thể thiếu vật dụng này được.

Chia tay ngày hội khi ánh mặt trời lẩn khuất, bà con lại bắt đầu cho cuộc hành trình ngược núi. Họ lại trở về nhà, trở về với công việc thường ngày, nhưng những dư âm tốt đẹp về ngày Tết Độc lập vẫn luôn đọng lại trong lòng mỗi người, mỗi du khách. Lại hẹn nhau 365 ngày nữa, câu chuyện về cuộc sống, về bản làng, lứa đôi… biết khi nào mới kể hết.