Văn trẻ hào hứng với trinh thám, lịch sử

Thế hệ 8X và 9X đang có những bước tiến đáng kể, khẳng định mình trên văn đàn. Cho dẫu năm 2020 vừa qua có nhiều biến động nhưng nhiều tác giả trẻ vẫn mang đến cho người đọc niềm tin tưởng và lạc quan. 

Từ cuộc thi văn học tuổi 20 lần sáu, đã phát hiện nhiều tác giả thế hệ 9X.
Từ cuộc thi văn học tuổi 20 lần sáu, đã phát hiện nhiều tác giả thế hệ 9X.

Trinh thám, lịch sử “lên ngôi”

Trong một trao đổi trước đây với nhà phê bình văn học - TS Mai Anh Tuấn, anh có nói, đại ý rằng, một khía cạnh quan trọng trong hành trang xuất hiện của một số tác giả thuộc thế hệ 9X, đó chính là vốn học vấn hiện đại và khá dày dặn. Họ chững chạc, tự tin không chỉ vì có ngoại ngữ, có những trải nghiệm học vấn đa dạng mà quan trọng hơn, họ “sống cùng” bối cảnh văn chương nghệ thuật toàn cầu được bày chật trên các giá sách dịch ở Việt Nam hoặc trên không gian mạng. “Chính bối cảnh đó, khiến họ chủ động và cũng tỉnh táo, nỗ lực hơn trong lao động văn chương. Đọc trang viết của họ, trước hết, tôi nhận thấy họ khá am tường một lĩnh vực nghệ thuật nào đó ngoài văn chương”, TS Mai Anh Tuấn bày tỏ.

Quan sát không khí văn chương nước nhà trong khoảng vài năm trở lại đây, dễ nhận ra một thế hệ viết trẻ đầy sáng tạo và quyết liệt. Đặc biệt, rất nhiều tác giả trẻ 8X và 9X không ngần ngại lựa chọn thể loại tiểu thuyết để “chào sân”. Họ xuất hiện tự tin, cũng bởi những ưu thế như nhà phê bình Mai Anh Tuấn đã đọc ra. Tiếp nối thế hệ 7X với những cái tên như Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Đào Trung Hiếu, Giản Tư Hải…, thế hệ 8X và 9X không ngần ngại “xông pha” vào đề tài trinh thám, vốn là thể loại kén người đọc. Mặt khác, thể loại này cũng đang phải chịu một cái bóng quá lớn từ các tác giả phương Tây, hay gần đây là các tiểu thuyết gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Bằng nỗ lực của mình, các tác giả trẻ ít nhiều đã cho thấy khả năng viết trinh thám hấp dẫn, lôi cuốn, có thể chinh phục được độc giả trong nước. Đọc họ, người ta thấy trinh thám không đơn thuần chỉ là phá án, truy bắt tội phạm, mà chung quanh đó còn có những câu chuyện thực sự “cân não” với người đọc. Có thể kể đến Kim Tam Long với Ẩn ức trắng và Mặt nạ trắng, Đức Anh với Tường lửa, Thiên thần mù sương, Đảo bảo bệnh (đoạt Giải ba cuộc thi sáng tác “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức), Nguyễn Dương Quỳnh với Thăm thẳm mùa hè, Phạm Anh Tuấn với Đánh đổi và Bẫy, Phi Hành Gia với Con ảo…

Các tác giả 8X và 9X cũng không ngần ngại thử sức ở đề tài lịch sử với trường liên tưởng, tưởng tượng thực sự phong phú và đa dạng. Có thể kể đến Thành Châu (sinh năm 1991) với Hỏa Dực, Hoàng Yến (1993) với Săn mộ - Thông thiên la thành và Thượng Dương, Tâm Phương (1991) với Nhân duyên trăm năm… Thế hệ 8X có Cổ Nguyệt Quang với Tháng năm sen nở, Duy Lê với Cuộc vây, Vũ Văn Song Toàn với tập truyện ngắn Đợi trăng trước ngày xuất giá… Trong đó, gây ấn tượng hơn cả phải kể đến nữ tác giả Trường An với loạt tiểu thuyết về lịch sử được yêu thích như Thiên nhạc, Vũ tịch, Hồ Dương (hai tập), Thiên hạ chi vương, Ngoài bờ đông là mặt trời.

Khi nhà văn biết cách tìm bạn đọc

Để viết được tiểu thuyết Hỏa Dực với dung lượng khá dày dặn (350 trang, khổ 16 x 24 cm), Thành Châu đã phải đọc rất nhiều sách để tham khảo như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục... Theo chia sẻ của Thành Châu, sử thời Nguyễn có nguồn tư liệu đầy đủ nên dễ tra, nhưng đến thời Lý Trần, anh phải sưu tầm những tư liệu tận bên Trung Quốc như Quế Hải Ngu hành chí, An Nam chí lược… Khác với thế hệ trước, thế hệ viết trẻ ngày nay không chỉ sáng tạo trong cách viết mà còn sáng tạo, năng động trong cách đưa tác phẩm đến người đọc. Không còn ngồi chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, họ biết cách tận dụng mạng xã hội làm phương tiện đắc lực giúp việc quảng bá tác phẩm của mình đến người đọc được nhanh và hiệu quả hơn. Trước khi ra tiểu thuyết Săn mộ - Thông thiên la thành vào năm ngoái, Hoàng Yến đã thành lập Fanpage, dành công sức lẫn thời gian để chăm sóc, giúp cộng đồng quan tâm ngày càng lớn mạnh hơn. Đây cũng là yếu tố giúp tiểu thuyết của Hoàng Yến nhanh chóng được đơn vị xuất bản “gật đầu” đồng ý. Đến nay, Fanpage của Hoàng Yến đã có hơn 47 nghìn người theo dõi. Đây chính là nền tảng tốt để Hoàng Yến tiếp tục ra mắt tiểu thuyết Thượng Dương trong năm qua.

Giống như Hoàng Yến, trước khi tiểu thuyết Hỏa Dực được ra mắt, tác giả Thành Châu cũng đã xây dựng cho mình Fanpage Sử Văn Các thu hút hơn 23 nghìn lượt người theo dõi. Để “nuôi” trang, anh thường đăng tải lên đó truyện ngắn, hay những bài viết vui về lịch sử cổ phong. Fanpage được Châu thực hiện cách đây hơn hai năm. Ban đầu trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu tư liệu, sử liệu nhằm phục vụ cho việc viết. Khi phát hiện ra nhiều điều hay, thú vị, anh muốn được chia sẻ ngay với mọi người. “Cũng có những sử liệu gây tranh cãi, không rõ ràng, tôi cần một diễn đàn để tranh luận ra ngô ra khoai, chứ xuất bản rồi mới cùng nhau tranh luận thì… tiêu tùng. Vậy là tôi lập trang, sau này thì dùng trang để truyền thông cho truyện luôn. Một công đôi ba việc, mạng xã hội cũng giúp ích cho tôi rất nhiều”, Thành Châu chia sẻ.

Ngoài ra, một cách thức cũng đang được nhiều tác giả trẻ vận dụng hiện nay chính là gây quỹ từ cộng đồng (Crowdfunding). Theo cách thức này, tác giả sẽ giới thiệu trước về dự án, nếu độc giả thấy hứng thú có thể đặt cọc tiền mua sách, khi đủ số lượng sách cần thiết, dự án sẽ được triển khai. Đây chính là cách thức mà họa sĩ Thanh Huyên (1992) đã thực hiện với cuốn sách Việt sử diễn họa, được ra mắt vào tháng 11-2020.