Tìm trả lại sắc phong

Dâng trả lại sắc phong cho những địa phương từng bị thất lạc, mất mát. Đó là nguyện vọng văn hóa của nhóm Nhân sĩ Hà Đông (Hà Nội) hiện nay, đối với hơn 200 đạo sắc phong mà một thành viên trong nhóm đã sưu tầm và cẩn trọng gìn giữ.

Từ trái qua: Ba thành viên nhóm Hà Đông - tác giả Trịnh Hữu Sỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Lương Tử Đức kiểm tra một số bản sắc phong.
Từ trái qua: Ba thành viên nhóm Hà Đông - tác giả Trịnh Hữu Sỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Lương Tử Đức kiểm tra một số bản sắc phong.

Tình cảm chung với di sản

Dành thời gian và niềm trân trọng di sản văn hóa để sưu tầm, tìm hiểu các đạo sắc phong hàng trăm năm tuổi, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông ngày càng nhận rõ hơn giá trị của những cổ vật đặc biệt ấy. Ở đó mang ý nghĩa tinh thần không chỉ của một công trình tín ngưỡng, của những người trông nom, giữ gìn di tích, mà có niềm tôn kính của cả cộng đồng làng xã. Bởi thế, ông càng nung nấu nguyện vọng dâng trả lại hơn 200 đạo sắc phong mà mình đang lưu giữ về đúng địa chỉ thờ tự của chúng. Cũng là để những đạo sắc phong, sắc chỉ về với cộng đồng dân cư sở hữu như vốn có.

Đây cũng là nguyện vọng chung của cả nhóm Nhân sĩ Hà Đông, những người thời gian qua được nhiều văn nghệ sĩ Thủ đô và các địa phương khác trân trọng vì những hoạt động văn hóa, nghệ thuật tích cực với tính chất một nhóm nhân sĩ luôn động viên, hỗ trợ nhau sáng tạo. Các thành viên của nhóm như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức, doanh nhân Lê Phương Chung, NSƯT Chu Lượng, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu, họa sĩ Hoàng A Sáng giúp đỡ nhau tự lo toàn bộ việc đi lại mang sắc phong về tận “quê hương”. Có khi giúp sắm cả lễ cho chính cơ sở thờ tự khi đón sắc phong về. Theo ông Sỹ, việc tìm sưu tầm sắc phong, mời thẩm định, dịch nghĩa tốn khá nhiều công sức và chi phí. Nhưng xác định trao trả về đúng địa chỉ là hành động văn hóa có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng, nên ông và các thành viên không nề hà điều gì. Có những người từng bán sắc phong cho ông, sau trở lại đề nghị mua lại với giá cao hơn, ông quyết không bán và giải thích cho họ về dự định trả sắc phong về địa phương.

Đáng mừng là việc thiện nguyện của nhóm đã nhận được những hồi đáp thiện tâm. Có người từng sưu tầm được sắc phong, đã đem đến trao lại nhóm để chờ tìm địa chỉ dâng trả. Một số người trẻ biết Hán Nôm xung phong dịch giúp nội dung các bản sắc phong. Với sự quen biết lâu năm và để bảo đảm tính khoa học, nhóm đã nhờ TS Trương Đức Quả, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa, đánh số hơn 200 bản sắc phong, xác định xuất xứ và lập danh sách để thuận tiện trong việc tra cứu.

Khơi dòng chảy tự hào cộng đồng

Việc tiếp nhận lại sắc phong cũng có nhiều điều đáng để suy ngẫm. Có nơi sau khi được nhóm đề nghị dâng lại sắc phong, các cụ ở làng cùng với người dân chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức đón với nghi lễ rước sắc phong rất cung kính, không khác gì một ngày hội. Có nơi ban đầu còn rụt rè vì e là nhóm muốn… bán lại, khi biết nhóm nhân sĩ công đức hoàn toàn thì rất ngạc nhiên vì thấy... khác thường trong hoàn cảnh hiện nay. Thậm chí có nơi còn ngại, vì sắc phong ở đó từng bị mất nhưng chưa dám công bố với người dân. Nhưng nhìn chung, khi các địa phương nhận lại sắc phong với sự có mặt của ban quản lý di tích, đại diện chính quyền cơ sở và dân làng, ai nấy đều cảm thấy phấn khởi, viên mãn, như một phần tâm hồn của di tích đã trở lại.

Có lần, nhóm tìm về dâng trả sắc phong cho thôn Thượng, xã Xuân Lôi, Bình Lục, Hà Nam, do địa danh xưa ghi trong sắc phong đã thay đổi, đi tìm rất vất vả mà chưa ra, ngay cả cán bộ địa chính cũng không biết. “Lang thang một lúc lâu, có người bỗng dưng chỉ vào nhà ông giáo Bùi Cường, người Nghệ An sống ở đây, say mê nghiên cứu sử. May quá, ông có quyển dư địa chí từ thời trước, tra ra đúng địa chỉ chúng tôi cần tìm”, ông Sỹ kể lại.

Tìm trả lại sắc phong chắc chắn phải lâu dài và tốn công sức. Vì thế, sau một số lần đi tìm trả lại thời gian qua, tới đây nhóm Nhân sĩ Hà Đông sẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội về xuất xứ các bản sắc phong để các địa phương, ban quản lý di tích có thể liên lạc, đón nhận lại di sản từng mất mát, thất lạc. Các thành viên của nhóm mong các địa phương, địa chỉ đó sẽ hết sức ý thức được giá trị, ý nghĩa của sắc phong, để đón nhận lại một cách trân trọng. Và sau đó, bảo quản, bảo vệ thật tốt, tránh việc để bị thất lạc, bị bán ra nước ngoài hoặc trôi nổi trên thị trường. Nhà thơ, đạo diễn chèo Lương Tử Đức, thành viên của nhóm cho rằng, sắc phong là một phần hồn cốt của công trình tín ngưỡng, văn hóa tại địa phương, và như vậy, nó là một hiện vật giàu giá trị tinh thần để xây dựng văn hóa làng xã. Chính vì thế, sự đón nhận và tiếp tục bảo vệ sau này rất cần vai trò tích cực của chính quyền địa phương, cơ sở.

Là người định hướng và khởi xướng nhiều hoạt động của nhóm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, khi có không ít giá trị văn hóa, tinh thần bị lung lay bởi sự tấn công của vật chất, thì những di sản đặc biệt như thế không chỉ là một cổ vật cụ thể. Một đạo sắc vua ban khi xưa, cho đến nay còn là biểu tượng niềm tự hào của một công trình tâm linh lâu đời, lớn hơn là của cả một cộng đồng thôn, xã qua nhiều thế hệ. Ý thức tôn vinh di sản văn hóa và qua đó là truyền thống dân tộc vẫn luôn chảy trong người dân. Chúng ta cần đến tận nơi và góp sức mở ra, khơi dòng, chứ nếu vội vã bước qua thì có thể nó sẽ biến mất.

Các sắc phong mà nhóm Hà Đông đang lưu giữ, mong trao tặng lại, chủ yếu thuộc triều Nguyễn, một số thời Lê, xuất xứ từ nhiều huyện, quận thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội (gồm Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai), Hà Nam (Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Vụ Bản, Kim Bảng, Duy Tiên), Nam Định (Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản), Thái Bình (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương), Hải Phòng (Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Dương), Ninh Bình (Kim Sơn, Yên Mô), Bắc Ninh (Thuận Thành, Yên Phong), Hải Dương (Thanh Miện), Hưng Yên (Văn Giang, Tiên Lữ), Vĩnh Phúc (Yên Lãng), Thanh Hóa (Hậu Lộc, Hoằng Hóa), Thừa Thiên Huế (Hương Trà). Các sắc phong có nội dung phong tặng thêm danh hiệu cho các vị thần được tôn thờ tại các địa phương, đồng thời giao cho các vị thần trách nhiệm chăm lo, bảo vệ dân lành.