Tăng cường độ tương tác với bạn đọc nhỏ

Làm gì để có nhiều hơn người viết cho các em, cũng như mở rộng cách tiếp cận giúp trẻ thơ đến với sách nhiều hơn. Thời Nay đã ghi nhận một số ý kiến của người trong cuộc.

Tăng cường độ tương tác với bạn đọc nhỏ

Nhà văn Lê Phương Liên:

“Yêu trẻ, chìa khóa để viết hay”

Theo tôi, muốn có một tác phẩm tốt cho thiếu nhi thì trước hết người viết phải yêu thiếu nhi, đó là tiêu chuẩn đầu tiên. Người viết nhiệt tình, yêu mến trẻ em thì tự dưng nó sẽ nảy ra rất nhiều những ý hay.

Thứ hai là không nên nghĩ rằng mình chỉ viết cho trẻ em, mà phải viết cho cả những người yêu trẻ em và cả những người đã từng là trẻ em nữa. Khơi gợi tình yêu tuổi thơ, tức là phải mở rộng biên độ người tiếp nhận tác phẩm của mình, nếu không mình cứ tưởng mình giả vờ làm trẻ em, cố gắng làm trẻ em thì tác phẩm sẽ bị gượng gạo. Thứ ba, chúng ta vẫn phải dựa vào vấn đề hiện nay, tức là phải dạy cho các em yêu Tổ quốc, tức là yêu cây cỏ, thiên nhiên của đất nước. Yêu nhân dân trước tiên là yêu những người thân quanh mình (ông, bà, cha, mẹ…) và phải cởi mở tâm tình với tất cả những người thân trong gia đình.

Hiện nay có thứ “bệnh” mà nhiều cháu mắc phải là ít cởi mở, thiếu hòa nhập. Theo tôi phải tạo ra sự hòa nhập, thân ái giữa con người với con người từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội.

Nhà báo Lê Tuyết Mai, Trưởng phòng Văn học VOV6:

Tăng cường độ tương tác với bạn đọc nhỏ ảnh 1

“Giúp các em tiếp cận một cách đa dạng”

Đã mấy chục năm nay, Ban Văn nghệ VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam dành riêng một chương trình văn nghệ thiếu nhi được xây dựng gồm nhiều mảng và đặt mục tiêu dành cho các em sự thưởng thức văn học nghệ thuật.

Thí dụ như ngày thứ hai có chương trình văn học nhà trường nhằm bổ trợ, tiếp cận các kiến thức văn học cho các em. Gồm nhiều tiểu mục trong đó có các tiểu phẩm phát thanh được chúng tôi kỳ công sản xuất với nhiều tay bút. Họ phải hóa thân như các em nhỏ, từ đó có các ý tưởng để viết làm sao cho gần gũi nhất với trẻ. Các tiểu phẩm tuy ngắn nhưng cũng có những nhân vật và diễn xuất của các em làm chương trình thêm phong phú.

Đến ngày thứ ba là văn học tuổi mới lớn, tiếp cận những cảm xúc, tâm tư dành cho lứa tuổi dậy thì… Việc xây dựng các tiểu mục như thế giúp cho các em vừa là giải trí nhưng cũng tiếp cận được các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Như mảng truyện ngắn, rồi tản văn, thơ… với đối tượng sáng tác rất phong phú. Có thể là các nhà văn, nhà thơ nhưng cũng có thể là chính sáng tác của các em…

Văn nghệ thiếu nhi ngày thứ năm dành rất nhiều thời lượng cho sáng tác của các em, các thầy, cô giáo dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Tạo cho sự tương tác để các em có thể gửi bài, vở về. Ngoài ra chúng tôi còn có chương trình kể chuyện và hát ru dành cho lứa tuổi nhi đồng, với các câu chuyện cổ tích hấp dẫn và những lời thơ ru do các nghệ sĩ của đài ngâm và được thường xuyên thu mới tạo thành kho dữ liệu lớn.

Để ưu tiên cho các em nên giờ phát thanh được chúng tôi lựa chọn để tránh giờ học, như buổi sáng thường được phát vào khoảng 11 giờ, lúc các em có thể dành thời gian nghe được. Đến chiều là giờ các em đi học về. Còn chuyên mục kể chuyện, hát ru thường vào lúc 9 giờ tối, không phải là muộn cũng là lúc các em vừa học xong chuẩn bị đi ngủ. Và cố định không thay đổi để cho đấy là giờ hết sức quen thuộc đối với các em.