Khi sách “đi” làm từ thiện

Nhiều năm qua, nhiều nhà văn, nhà thơ đã chung tay hướng đến các em học sinh, hoàn cảnh khó khăn bằng các dự án sách cá nhân, với nhiều hoạt động thiết thực.

Nhóm Văn nhân Long Biên tặng quà cho Trường mầm non Cẩm Duệ (Hà Tĩnh).
Nhóm Văn nhân Long Biên tặng quà cho Trường mầm non Cẩm Duệ (Hà Tĩnh).

Việc làm ý nghĩa

Ở phía nam, bạn đọc quen thuộc với nhà văn, nhà báo Võ Đắc Danh và rất nể trọng tấm lòng nhân ái của ông, khi thực hiện nhiều dự án sách để gom tiền xây cầu cho người dân những vùng đất khó khăn. Năm 2017, ông dành toàn bộ tiền hơn 500 triệu đồng bán sách “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” để xây hai cây cầu ở huyện Đầm Dơi và Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Năm 2019, Võ Đắc Danh tổ chức ra mắt tập sách “Chuyện đời chuyện nghề”, cả ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, với mong muốn sẽ dùng toàn bộ doanh thu bán sách để xây cầu nông thôn và sản xuất bộ phim tài liệu “Hành trình cây lúa Việt Nam”.

Tính đến nay, từ tiền bán sách ông đã xây dựng được hàng chục cây cầu ở các vùng khó khăn. Nhà văn tâm sự: “Những ý tưởng hướng về quê hương, về người dân vùng khó của tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Điều đó đã góp phần rất lớn vào việc cải thiện đời sống cư dân ở vùng khó đó, đồng thời lan tỏa thêm những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Nhiều cây cầu bê-tông vĩnh viễn, bắc qua con kênh nhỏ, giá chỉ gần 200 triệu đồng thôi nhưng không phải ở đâu cũng có để đầu tư xây dựng”.

Với tâm thế nhập cuộc, bốn năm qua Quỹ học bổng “Khát vọng mùa” do nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa khởi xướng, cũng đã hoạt động khá sôi nổi. Quỹ khởi sinh ý tưởng khi anh in tập thơ “Khát vọng mùa” vào năm 2016. Được cộng đồng “bạn phây” ủng hộ, sau đó, khi in ba cuốn tiếp theo là “Phiêu lưu chữ”, “Song hành & đối thoại” và “Đứng về phe cái khác”, anh đã dùng toàn bộ tiền nhuận bút sách để mua lại sách của mình từ NXB/công ty sách, rồi “rao” bán lại qua kênh facebook cá nhân. Toàn bộ tiền thu được dùng để trao học bổng “Khát vọng mùa”. Anh Khoa cũng cập nhật những buổi trao học bổng, đưa lên facebook cá nhân để các tấm lòng thảo thơm biết địa chỉ mà tìm đến tiếp tục trao yêu thương, cũng là cách anh “báo cáo” với những người đã mua sách của mình.

Gần đây, nhóm Văn nhân Long Biên đã tiếp nhận tập thơ “Giấc mơ sông Thương” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành để bán và gây quỹ. Một số thành viên của nhóm đã đến trực tiếp và trao 300 suất quà cho bà con xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) mỗi suất 500 nghìn đồng và một áo phông; tặng hai Trường mầm non Cẩm Duệ và Cẩm Thạch 50 bộ bàn ghế trị giá 45 triệu đồng. Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành cho biết: “Từ tháng 10 vừa qua tiền bán sách được 203 triệu đồng. Tôi đã huy động thêm từ các nguồn tổng được hơn 500 triệu đồng mang vào cứu trợ bà con miền trung chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, hồi cuối tháng 11-2020. Tôi rất vui mừng vì đóng góp được một chút nhỏ bé với đồng bào”.

Một công đôi việc

Việc thiện nguyện đã thật sự lan tỏa. Hằng năm các chương trình “trao yêu thương” đã đến được những hoàn cảnh khó khăn, các em bé vùng núi cao chịu thiệt thòi. Năm qua, do đại dịch Covid-19 hoành hành, cộng thêm bão lũ liên tiếp đổ vào miền trung nước ta, gây ra bao hệ lụy. Những “chiếc lá lành” đã tích cực truyền trao lửa ấm, tiếp thêm nghị lực vượt qua khó khăn bằng cả tinh thần, vật chất. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã sốt sắng đến tận nơi để trực tiếp chia sẻ các phần quà như nhà văn Trần Trà Mỹ, Tống Phước Bảo, Phương Huyền, Nguyễn Thế Hùng, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, nhóm thơ Facebach… Bạn đọc, bạn viết thấy rất ấm lòng.

Như chia sẻ của nhiều nhà văn, nhà thơ, ngoài lan tỏa việc thiện, bán sách cũng là một cách tự lan tỏa sách của mình, để bạn đọc biết đến nhiều hơn. Với nhà văn trẻ Tống Phước Bảo, hiện đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, bán sách làm từ thiện là hành trình tử tế của những cuốn sách. Anh cho hay: “Ý tưởng bán sách gây quỹ của tôi xuất phát từ mong muốn sách mình viết ra ngoài nội dung được gởi gắm, thì mỗi cuốn cũng mang một giá trị nhân văn trong cuộc sống. Sách có thể đem đến nguồn tri thức nhưng cũng có thể lan tỏa một điều bình thường tử tế. Từ đó cũng lan tỏa một nét văn hóa đọc mới, đọc sách cũng giúp ích cho cuộc đời”.

Từ suy nghĩ đó, các cuốn sách của Bảo như: “Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời”, “Trái tim của thép”, “Cả một trời thương”, “Mình gọi nhau là cưng”, “Qua những miền yêu” và sau này bạn bè gửi tặng cho các dự án thiện nguyện đã có một hành trình lan tỏa điều tử tế rất dài và xa. Tiền bán sách, Bảo đã xây được nhà tình nghĩa cho người nghèo ở Sóc Trăng; Gây quỹ cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc màu da cam, bệnh nhân xương thủy tinh ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); giúp đỡ cho người dân trong đợt thiên tai bão lũ ở Nam Trà My (Quảng Nam) và sắp tới là giúp người nghèo ăn Tết ở Kiên Giang.

Chung niềm vui vì giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh, nhà văn Phương Huyền (công tác tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, bán sách qua Facebook bây giờ là một kênh khá hiệu quả. Nhiều tác giả không quan tâm đến lỗ, lời, mà quan tâm số tiền mình có được sẽ sử dụng vào làm từ thiện ra sao, kích thích bạn đọc cùng “mạnh tay” làm từ thiện. “Năm 2020, tôi bán sách kêu gọi hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19 và hỗ trợ xây một căn nhà cho người nghèo ở Ninh Thuận. Mọi người mua sách bảo, vừa có sách để đọc vừa được làm việc thiện, cảm giác thật tuyệt. Nên bán sách qua Facebook, với tôi rất lời!”.