Giữ tranh Đông Hồ, phải giữ cả giấy điệp

Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, ít người biết rằng, điều tạo nên sự khác biệt của tranh Đông Hồ với các dòng tranh dân gian khác chính là giấy điệp.

Xử lý xác vỏ điệp để làm bột. Ảnh: LÊ BÍCH
Xử lý xác vỏ điệp để làm bột. Ảnh: LÊ BÍCH

1. Tranh Đông Hồ được truyền tụng nhiều vì nét dí dỏm xen lẫn tính chất nông dã của nó. Xem tranh, bà con cảm thấy gần gũi vì tranh lột tả những hình ảnh chung quanh làng quê Việt Nam mà trong đó những sinh hoạt hằng ngày hiển hiện lên mặt giấy tranh Đông Hồ.

Có thể nói, dòng tranh Đông Hồ vẫn mang đậm chất dân gian từ xa xưa truyền lại. Theo chia sẻ của các nghệ nhân, công đoạn làm tranh tuần tự như sau: quệt mực bằng chổi cho thấm vào bìa, rồi “đập mầu”, tức đập bản khắc vào bìa cho thấm vào nét khắc rồi in ra giấy dó như kiểu đóng dấu, gọi là “in úp ván” (ngược với cách “in ngửa ván” của dòng tranh Kim Hoàng và Hàng Trống). Sau đó, lật ngược ván khi giấy dó vẫn dính vào ván, lại tiếp tục dùng xơ mướp để xoa mặt lưng giấy cho no mầu mới gỡ giấy ra. Mỗi mầu trên tranh là một ván in. Thường thường, có khoảng bốn ván in mầu và một ván in nét mầu đen được in sau cùng. Trong các ván in mầu, họ chọn mầu “mạnh” in trước rồi mới đến mầ̀u khác. Thường thì in mầu đỏ, rồi mới đến mầu xanh, mầu trắng. Ván in mầu đỏ còn được khắc hai chấm nổi để làm “cữ” cho các ván in sau.

Hiện nay, tại Đông Hồ còn hai dòng họ làm tranh dân gian. Một số nghệ nhân đã cố gắng duy trì dòng tranh di sản đích thực của cha ông trong những đề tài phục cổ hay đề tài hiện đại, tiêu biểu là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Dòng tranh Đông Hồ vẫn tồn tại mặc dù không còn được như trước đây. Một số họa sĩ người làng đã theo học tại các trường mỹ thuật một cách bài bản hơn, lại tiếp tục phát huy nghề làm tranh dân gian của làng và đã có nhiều sáng tác phục hồi vốn cổ cũng như sáng tạo các chủ đề mới. Đó là các họa sĩ như Nguyễn Đăng Dũng (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần), Nguyễn Đăng Giáp (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm)… Ngay tại làng Đông Hồ cũng đã hình thành một câu lạc bộ làng nghề truyền thống tranh dân gian có sự ủng hộ của các cấp chính quyền.

2. Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - một trong ba tác giả của cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, giấy điệp chính là giấy dó quét điệp lên. Giấy dó vốn được người Việt sản xuất hàng trăm năm nay ở những nơi như Yên Thái (ven Hồ Tây, Hà Nội) hay Đống Cao (Bắc Ninh). Giấy dó là loại giấy đặc biệt, có độ bền khá lâu, dùng để in sắc phong, kinh sách và tranh dân gian.

Khi đã có giấy dó, thì công đoạn quét điệp được người làng tranh tiến hành. Nhờ có lớp bột điệp lên trên, mà tranh dân gian Đông Hồ có vẻ óng ánh độc đáo, khác biệt so tất cả các tranh dân gian ở Việt Nam. Cũng vì có quét điệp nên giấy dó để làm tranh Đông Hồ sẽ cứng cáp hơn. “Chỉ dòng tranh Đông Hồ mới có cách làm giấy dó quét điệp. Cũng bởi điều này nên trong nhiều năm, dòng tranh Đông Hồ vẫn được mang danh là tranh điệp”, bà Thu Hòa nhấn mạnh. Để làm nên vẻ đẹp óng ánh của sắc điệp là cả một quy trình kỹ thuật độc đáo, tốn công sức vốn đã truyền lại từ nhiều thế kỷ: đó là nghề làm bột điệp. Quy trình sản xuất bột điệp ngày nay giống như nhiều trăm năm trước đây của tiền nhân. Nếu có khác chỉ là ở khâu dùng mô-tơ máy để nghiền bột thay cho việc giã điệp bằng sức người.

Ngày nay, để có thể chứng kiến quy trình nghệ nhân làng Đông Hồ làm điệp, quét điệp không dễ. Bà Thu Hòa cho biết: “Sau khi về làng Đông Hồ điền dã nhiều lần, tiếp xúc với các cụ cao niên, trò chuyện với các nghệ nhân đang làm nghề và hiểu rõ quy trình làm tranh, nhưng riêng việc chụp ảnh công đoạn làm điệp thì chúng tôi phải đợi tới… bốn năm! Bởi không phải tháng nào, tuần nào người làng Đông Hồ cũng làm điệp. Mà người dân chỉ làm khi giấy đã hết”.

Hiện nay, hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thực hiện đang được hoàn thiện để đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Nét độc đáo của giấy điệp chính là một trong những giá trị chung của quá trình tạo nên di sản tranh Đông Hồ, cần được chú trọng phục hồi.