Giữ tiếng chiêng Mường như máu thịt

Văn hóa Mường Hòa Bình, với bốn xứ Bi - Vang - Thàng - Động vô cùng phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt là văn hóa chiêng. Mỗi chiếc chiêng là một di sản quý, trong mỗi gia đình xưa dường như đều coi chiêng là vật gia bảo. Trước dòng chảy của thời gian, chiêng bị “chảy máu”. Nhiều nghệ nhân yêu văn hóa và chiêng Mường, đã dày công sưu tầm, gìn giữ, phát triển.

Ông Xô (bên trái) giới thiệu chiếc chiêng vừa sưu tầm được.
Ông Xô (bên trái) giới thiệu chiếc chiêng vừa sưu tầm được.

Cồng chiêng mai một

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, xóm Chăm, TP Hòa Bình là một trong số những người còn giữ được nhiều nhất ngón nghề đánh chiêng, chơi các loại nhạc cụ và giữ được nhiều điệu hát cổ người Mường. Trong căn nhà sàn của ông, những món đồ quý giá nhất được treo trang trọng là bộ cồng chiêng và những loại nhạc cụ mà ông yêu thích.

Ngày nhỏ, ông Thực khá nhút nhát, đến khi 12 tuổi, được cha truyền dạy cho biết thổi sáo, đánh chiêng, thì tiếng chiêng thúc giục, giúp ông tự tin hơn. Đến khi trở thành một chàng trai, ông cùng cây sáo đi khắp các hội xuân, những buổi lên nương. Về nhà, ông lại đánh chiêng. Ngày nào không có sáo và chiêng, thì ngày đó đi làm đôi chân bỗng mỏi, không muốn leo nương nữa.

Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng là tiếng của lòng người. Trong các lễ hội, lễ mừng nhà mới, lễ đi săn, Tết, lễ xuống đồng… bao giờ cũng có tiếng chiêng trầm bổng để cổ vũ, góp phần làm cho giá trị của cộng đồng được phát huy tốt hơn.

Hỏi về chuyện sưu tầm, ông Thực cho biết: “Từ năm 1990, nhiều gia đình túng đói đã bán đi cồng chiêng, văn hóa chảy máu. Tôi đã nhịn đói, nhịn khát, quyết tâm sưu tầm những chiếc chiêng quý để mang về lưu giữ, và coi như linh hồn của mình, của người Mường. Tôi sợ mất đi những nét đặc sắc của văn hóa Mường nên đi tìm, gìn giữ lại cho con cháu sau này. Hết đời tôi đến đời các con sẽ vẫn còn”.

Hơn 20 năm qua, bước chân ông Thực đã đặt đến khắp bốn xứ Mường để sưu tầm. Hễ thấy ai có là hỏi mua, tiền ông làm ra, sức khỏe chắt chiu được, ông đều dành cho những cuộc băng rừng vượt núi cóp nhặt cồng chiêng, vốn liếng văn hóa. Đến nay ông Thực đã có gần 30 chiếc chiêng, trong đó có chiếc đúc nguyên. Sau khi đúc xong là âm thanh chuẩn luôn. Trong toàn tỉnh Hòa Bình hiện tại có hai chiếc quý nhất. Chiếc chiêng kia là chiêng cái. Còn chiêng ông Thực có được là chiêng liền. Chỉ cần xoa vào vú chiêng là âm thanh ngân vang.

Một “đại gia” khác là ông Bùi Tiến Xô, hiện sống tại thôn 168, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, đang sở hữu 55 chiếc chiêng. Trong đó 18 chiếc cổ, 28 chiêng kim, còn lại là chiêng thâu. Khối tài sản ấy được rất nhiều “đại gia” về trả giá cao, nhưng ông lắc đầu. “Đồ xứ Mường bị chảy máu, nhà sàn cổ bị chảy máu, văn hóa cũng bị mai một. Điều đó khiến tôi như cũng bị thương. Nên tôi phải giữ chiêng, giữ nhà sàn, giữ những món đồ lưu giữ ký ức văn hóa Mường và nhiều làn điệu, câu hát, các lễ hội truyền thống”, ông Xô giảng giải, như thể kho tàng văn hóa Mường đã ngấm vào trái tim ông và giờ khởi phát.

Để chiêng ngân xa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đất Hòa Bình đã có không ít người lo lắng cho di sản văn hóa Mường. Ngoài hai nghệ nhân kể trên, có thể kể đến ông Bùi Chí Thanh ở Tân Lạc, ông Bùi Thanh Bình ở tổ 6, phường Thái Bình, TP Hòa Bình, hay họa sĩ Vũ Đức Hiếu, vốn đã được biết đến rộng rãi khi gây dựng Bảo tàng không gian văn hóa Mường, nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa người Mường ở Hòa Bình. Họ là những người không mệt mỏi, đôn đáo khắp nơi lo tiền nong, chi phí để sưu tầm chiêng và những món đồ cổ đầy ý nghĩa văn hóa dân tộc.

Ông Thực tâm sự: “Mình phải chấp nhận khổ cho tiếng chiêng ngân xa chứ! Nhưng tôi có thuận lợi là tất cả gia đình, vợ con đều nhất trí với việc của tôi. Chấp nhận bán trâu, lợn đi mua về. Một mình mình ưa cũng không được đâu. Mà không làm thì mất hết, sau này không thể có. Mà có không biết đánh thì chỉ treo không cũng buồn, nên tôi lại đi truyền dạy”.

Cũng chấp nhận “khổ” vì văn hóa dân tộc, ông Bùi Tiến Xô, với 62 tuổi đời thì đã tới 30 năm ông Xô đặt chân đi khắp xứ Mường sưu tầm chiêng và cố gắng gìn giữ những nét văn hóa dân tộc Mường. Năm 1976, trong lần làm mộc cho một gia đình ở Bản Lác (huyện Mai Châu), ông Xô đã sưu tầm được chiếc chiêng đầu tiên trong một tình cảnh khó khăn. Ông hồi tưởng: “Người thợ đi làm thì chỉ mong được trả công đầy đủ. Năm đó nhóm thợ của tôi làm thuê gần hai tháng trời, đến khi phải thanh toán tiền thì họ khất tháng sau đến lấy. Hoặc trong nhà có chiếc chiêng đồng cổ, nếu ưng thì… trả bằng chiêng, khỏi cần tiền”.

Ngày đó nhóm thợ và ông Xô không đồng ý lấy chiêng. Ấy thế nhưng sau khi nhìn ngắm kỹ, ông Xô lại thấy thích thú nên nghĩ ngay đến việc phải có được chiếc chiêng này. Vậy là ông đồng ý và nói với nhóm thợ, ông sẽ lấy tiền ở nhà trả công đầy đủ. Còn ông mang chiêng về. Đận đó, vợ ông vô cùng bực tức, vì chồng đi làm mà chẳng những không mang tiền về, chỉ khuân tiền nhà đi. Ông Xô phải giải thích mãi vợ mới chịu hiểu và vui vẻ trở lại. Từ đó, ông thường tìm cách tiết kiệm tiền để đi đến đâu, hễ thấy chiêng quý là mua. Tôi hỏi, vì sao ông quyết định bỏ cả một đống tiền ra để mua chiếc chiêng đầu tiên trong cuộc đời mà lúc đó chưa hề biết giá trị thực của nó? Ông nói: “Tôi thấy nó bị oxy hóa, lại còn bị thủng nữa. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi thấy mê nó, đúng là cái duyên. Sau này hỏi các nhà chuyên môn, họ bảo nó có tuổi đời khoảng 400 năm. Vậy là quý quá rồi!”. Xong, ông đọc luôn lời ca về chiêng đãi khách: “Chiêng như mặt trời rạng rỡ/Chiêng như mặt trăng thiêng liêng/Chiêng mọc từ hòn đá trắng/Chiêng mọc từ triền nghiêng nghiêng/Dậy chiêng đi, dậy dậy chiêng đi/Dậy dậy chiêng đi, dậy dậy chiêng đi…”.

Nếu nhắc đến chuyện “khổ”, thì ông Bùi Thanh Bình, một “đại gia” đang sở hữu tới 5.000 cổ vật văn hóa Mường, với 100 chiếc chiêng quý cũng chẳng kém. Bởi để sưu tầm được ngần ấy món đồ và gìn giữ, lại đầu tư tiền đất, làm nhà sàn để lưu giữ đồ cổ, ông đã phải lao tâm khổ tứ suốt mấy chục năm trời. Chưa hết, trong bộ chiêng, có chiếc cổ lớn, đường kính 70 cm. Ông đã xin được giấy phép các cơ quan chức năng và được chấp thuận, cho thành lập Bảo tàng di sản Mường Hòa Bình ở tổ 6, phường Thái Bình (TP Hòa Bình), đồng thời đang hoàn thiện những hạng mục công trình cơ bản cho khu bảo tàng của mình.

Giữ lại tiếng chiêng cho xóm làng

Cũng phải khẳng định rằng, người sưu tầm đồ cổ, trong đó có cồng chiêng thì nhiều. Nhưng không phải ai cũng có cái tâm thật sự để bảo vệ, gìn giữ cũng như phát triển văn hóa của dân tộc mình. Những “đại gia” kể trên không phải sưu tầm để khoe mẽ, thể hiện lối sống trọc phú. Hầu hết các nghệ nhân, nhà sưu tầm ấy còn có một cuộc sống nhiều khó khăn. Nhưng bản thân họ có điểm chung là đều vượt lên mọi hoàn cảnh, bán cả trâu, bò để gìn giữ và bảo lưu văn hóa. Ông Bùi Thanh Bình chia sẻ: “Tôi cũng biết là mọi việc đều vất vả. Tôi cũng như nhiều người muốn bảo tồn văn hóa Mường khác, rằng không gian bảo tàng di sản Mường Hòa Bình sẽ thấm đẫm âm nhạc dân tộc, cùng các điệu dân ca, dân vũ Mường. Khách thăm sẽ được ngắm nhìn, tìm hiểu, nghiên cứu và thậm chí được tham gia vào những sinh hoạt của người dân”.

Chung quan điểm ấy, nghệ nhân Nguyễn Văn Thực cho rằng, giữ văn hóa, chiêng rồi thì phải có người biết chơi, biết cùng bảo vệ. Riêng với cồng chiêng, đòi hỏi người đánh phải biết cách sử dụng về thanh âm, bức âm. Ông Thực đã truyền dạy cho nhiều thanh niên, trong đó truyền dạy cả cho vợ, cháu gái kỹ thuật đánh, cách đo âm vực bằng sải tay và hơn thế, truyền cả giá trị tinh thần vô giá của những âm thanh ấy đối với đời sống văn hóa dân tộc Mường.

Người Mường ở Hòa Bình sống quây quần bên các xóm làng dưới chân núi. Văn hóa chiêng là một di sản vô cùng quý giá được truyền từ đời này sang đời khác. Tiếng chiêng gắn bó với đời sống mỗi người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi mất đi. Nhưng văn hóa Mường đang bị mai một, cồng chiêng chảy máu. Những nỗ lực bảo tồn, giàu giá trị nhân văn của các “đại gia” đang góp phần bảo lưu, tìm lại những âm sắc của chiêng, của nền văn hóa. Ngày mai xuân về, mùa hội về trên khắp các xóm làng, thì tiếng chiêng cũng trầm hùng ngân lên, gợi đến một tương lai tươi sáng. Hồn chiêng cũng sẽ thôi thúc những bàn tay hay lam hay làm, những bước chân trên nương rẫy được mạnh mẽ, làm nên những mùa màng no ấm.