Độc đáo không gian trục đá

Tưởng chừng những thứ bị vứt bỏ sẽ không còn giá trị sử dụng, nhưng bằng tâm huyết và đôi bàn tay khéo léo, người dân An Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã tái tạo nên một quang cảnh vừa cổ kính, vừa mới lạ.

Giếng làng thêm độc đáo với thành giếng làm bằng những trục đá xưa.
Giếng làng thêm độc đáo với thành giếng làm bằng những trục đá xưa.

Vật dụng xưa - không gian mới

Tại làng Tả Ngoại, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) có con đường trục đá từ cổng làng đi thẳng tới ngôi đền với những trục đá bao quanh giếng làng rất ấn tượng. Không phải tự nhiên mà những trục bằng đá ấy được thi công nhiều đến vậy. Chúng được sắp xếp ở nhiều tư thế khác nhau, đứng, nằm, ngồi. Từ đó, tạo nên một không gian mang vẻ đẹp trầm cổ mà vẫn mới lạ, thu hút nhiều người dân.

Những trục bằng đá ấy chính là trục lúa (tên gọi địa phương) hoặc là lu lúa, rất quen thuộc với nghề nông. Trục lúa đã có từ lâu đời, có rất nhiều ở ba tỉnh/thành phố bên tả ngạn sông Hồng, gồm: Hải Dương, Hải Phòng và Thái Bình. Hàng trăm năm về trước, người ta thường dùng cối giã gạo có thủng lỗ để đập lúa. Đến thời hợp tác xã, người ta mới làm sân rộng chừng 50 - 100 m² để rải thóc ra và kéo trục cho thóc rụng khỏi rơm. Trục lúa ban đầu là một khối đá vôi lớn, có hình dạng trụ tròn, nặng khoảng 50 - 90 kg, dài khoảng 95 cm và có đường kính khoảng 20 - 24 cm. Chúng được người thợ đẽo rất dày công và tỉ mỉ. Nghe những người già ở đây kể thì chỉ có những địa chủ giàu mới có được từ một đến hai trục lúa. Còn nhà nghèo thì không có, họ đành đi mượn sau khi người khác dùng xong. 

Qua nhiều năm, người dân ở đây mới dần bỏ và thay thế các trục đá bằng máy móc hiện đại hơn. Tưởng như mấy vật dụng của ngày xưa đã không còn được sử dụng vào việc gì. Thế nhưng, chúng lại được tái hiện trong một không gian mới, gợi nhớ trong người dân về một thời kỳ lao động vất vả và dạy cho thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị xưa. 

Con đường cố kết cộng đồng

Ông Vũ Như Việt, một người dân ở xã An Hòa là người đã đưa ý tưởng sử dụng các trục lúa này để tôn tạo cảnh quan đền, chùa. Được sự nhất trí của địa phương và ông Nguyễn Văn Tấn, người trông coi khu di tích lịch sử văn hóa đền Tả Ngoại (Miếu Tè), ông Việt xây dựng thành giếng làng bằng trục đá. Sau đó là con đường từ cổng làng dẫn thẳng đến đền, chùa. Con đường này trước rất hẹp, chỉ khoảng 3 m. Bà con phải lấp con mương nhỏ và mở rộng sang ít đất ruộng khoảng 5 - 6 m nữa để mở con đường với độ dài khoảng 200 m. Số lượng trục lúa được sử dụng ở đây rất nhiều, riêng giếng làng là khoảng 200 trục và con đường làng là khoảng hơn 1.000 trục. 

Ông Việt chia sẻ, ông rất đam mê việc sử dụng những vật liệu của ông cha ta để tôn tạo các công trình xưa. Bởi thế mà ông Việt bắt đầu mua gom các trục lúa từ hơn 20 năm trước. Tập hợp được đủ số lượng trục phải mất rất lâu để mua, gom và chở về từ các nơi như Hải Dương, Thái Bình… Rồi đến khi thi công công trình bao gồm giếng làng và con đường trục đá đòi hỏi rất công phu và sau hơn hai tháng mới hoàn thiện được.

Việc mua lại các trục lúa này phải kể đến sự tài trợ của ông Nguyễn Văn Thêm, cũng là một người con của xã An Hòa hiện đang sống và kinh doanh tại Hà Nội. Ông Thêm tâm sự: “Tôi rất vinh dự khi góp phần công lao nhỏ của mình để xây dựng cho quê hương thêm giàu đẹp. Thấy những trục đá bỏ rải rác nên tôi cùng ông Việt mua gom. Trước hết có vật liệu quý hiếm, cổ kính, sau là bảo tồn thứ công cụ từ bao đời ông cha ta đã nhọc nhằn công sức sử dụng và giữ gìn”. 

Thời gian qua, không gian trục đá được hoàn thiện đã thu hút được rất nhiều khách thập phương đến tham quan cũng như học hỏi mô hình này. Với con đường mới này, người dân Tả Ngoại đã có ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch. Mọi người đã cùng động viên nhau không xả rác bừa bãi, bảo nhau trồng cây lấy bóng mát và tạo cảnh quan. Sớm chiều, nhiều người dân lại ra đây tập thể dục, đi dạo. Con đường trục đá và giếng làng cùng với các di tích thật sự đã trở thành một không gian nghỉ ngơi và gắn kết cộng đồng của bà con xã An Hòa.