Cần thận trọng khi phục dựng lễ cưới đồng bào Cơ Ho

Trước nguy cơ mai một lễ cưới của người Cơ Ho, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức phục dựng nghi lễ này với sự tái hiện của bà con Cơ Ho tại xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương).

Phục dựng lễ cưới người Cơ Ho do đồng bào Cơ Ho ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng thực hiện.
Phục dựng lễ cưới người Cơ Ho do đồng bào Cơ Ho ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng thực hiện.

Bà Cil Ka Đớp sắm vai mẹ cô dâu trong lễ cưới, hồ hởi: “Tôi rất vui và tự hào bởi qua việc tái hiện lễ cưới người Cơ Ho, tôi được giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Mong thế hệ trẻ Cơ Ho nhận ra vẻ đẹp văn hóa đó và đừng từ bỏ phong tục của ông bà xưa”. Ông Bon Tô Ha Diêng, người sắm vai người cậu trong lễ cưới, nói: “Phục dựng lễ cưới của người Cơ Ho không chỉ lấp đầy nhu cầu thưởng thức văn hóa truyền thống nơi cư dân bản địa, còn là dịp để du khách tìm hiểu nét văn hóa truyền thống Cơ Ho, một dân tộc gốc Tây Nguyên, hôn nhân do người nữ quyết định”.

Ông Bon Tô Ha Diêng tâm sự, với người Cơ Ho, lễ cưới là sự kiện trọng đại. Vì vậy, việc lựa chọn đối tượng nam phối ngẫu được gia đình nhà gái xem xét rất kỹ lưỡng. “Thường thì người Cơ Ho không xem ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới, mà ấn định vào một khoảng thời gian nhất định cốt sao không ảnh hưởng đến lao động, sản xuất”, ông Bon Tô Ha Diêng cho hay. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL lịch tỉnh Lâm Đồng, lễ cưới người Cơ Ho là một trong nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang được phục dựng, cùng với đó, ghi âm, ghi hình nhằm phục vụ công tác bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương. 

Ông Hoàng Đình Khải, một trong những người đầu tiên sân khấu hóa nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên trên đất Lâm Đồng, chia sẻ: “Việc phục dựng các lễ hội văn hóa của người dân tộc thiểu số cần phải hết sức thận trọng để tránh tình trạng vốn văn hóa gốc bị biến dạng, dẫn đến suy diễn, hoặc hiểu theo trải nghiệm cá nhân”. Có mặt tại chương trình phục dựng lễ cưới, ông Khải nhận xét: Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của địa phương, không chỉ góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể, lại có thể kích cầu du lịch bằng sản phẩm văn hóa độc đáo. Tiếc là ở phần hậu đài sân khấu, hình ảnh ngôi nhà truyền thống không phải ngôi nhà truyền thống của người Cơ Ho. “Đó là ngôi nhà cổ của người… Tày. Thêm nữa, hình ảnh những chiếc cồng chiêng treo trong ngôi nhà lại là cồng chiêng của người… Mường”, ông Khải chỉ rõ.

Theo ông Hoàng Đình Khải nói thêm, vai trò của đạo diễn trong phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số là vô cùng quan trọng. Chỉ một chi tiết nhỏ không ăn nhập tổng thể cũng có thể làm hỏng cả một chương trình lớn. Do vậy, trước khi tiến hành phục dựng lễ hội văn hóa truyền thống, nên tham vấn ý kiến của nhiều người để tránh những sai sót không đáng có. Quan trọng hơn, vốn văn hóa gốc không bị hiểu sai đi, sự tiếp nhận của những người chưa hiểu văn hóa dân tộc thiểu số cũng không bị dừng lại ở chỗ thấy một cách phiến diện và võ đoán, rồi hiểu chệch.