Cải thiện thực trạng kiến trúc

Trước tình hình chung trong lĩnh vực kiến trúc còn nhiều bất cập với những phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, phá vỡ quy hoạch, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa kiến trúc hài hòa thiên nhiên với phô trương, xa rời bản sắc…, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xác định phát huy vai trò tác động bằng việc nâng cao năng lực, đạo đức đội ngũ, nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn của hệ thống cơ sở luật pháp cũng như quy chuẩn hành nghề của kiến trúc sư (KTS).

Trưng bày một số đồ án kiến trúc được giải.
Trưng bày một số đồ án kiến trúc được giải.

1. Xung đột giữa bảo tồn và phát triển trong lĩnh vực kiến trúc, di sản kiến trúc chưa được chú trọng; các đô thị được mở rộng nhưng còn manh mún, thiếu không gian xanh, thiếu nơi vui chơi giải trí phù hợp, đặc biệt là dành cho trẻ em, người cao tuổi; xuất hiện những công trình phô trương, xa lạ với văn hóa Việt; làng quê bị ảnh hưởng nặng nề bởi xu hướng đô thị hóa cưỡng bức; nhà ở của công nhân, của người lao động nói chung còn chật hẹp, có khi nhếch nhác; chưa có nhiều tác phẩm tầm cỡ, tầm vóc lớn, có tính thời đại; đội ngũ phát triển nhanh nhưng chưa định hình rõ bản sắc; hoạt động lý luận phê bình kiến trúc phát triển nhưng chưa định hướng rõ cho xã hội… Đó là những nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về những bất cập trong tình hình phát triển kiến trúc nước nhà thời gian qua, bên cạnh những thành quả mà kiến trúc có được qua đổi mới, hội nhập. 

Trao đổi ý kiến tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 Hội KTS Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Khắc phục tình trạng này là trách nhiệm chung của cả hệ thống và toàn xã hội mà hơn ai hết, Hội KTS là người tiên phong. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo điều kiện cho Hội, cho đội ngũ KTS để cùng chung sức thực hiện. 

2. Thực trạng kiến trúc chính là vấn đề lớn, trọng tâm mà Hội KTS Việt Nam quan tâm, bàn thảo và đưa ra phương hướng giải quyết trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025. Tại đại hội vừa diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 25 và 26-9, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu định hướng chung cho chặng đường mới: Phát triển và cổ súy cho kiến trúc xanh, kiến trúc vì cộng đồng, kiến trúc thông minh; tích cực triển khai thực hiện Luật Kiến trúc để xây dựng môi trường hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp, lành mạnh. Cùng với đó, là sự đòi hỏi mỗi KTS và Hội KTS Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới, nỗ lực học tập, nâng cao năng lực hành nghề, chủ động thích ứng với thử thách và cơ hội mới. Đó là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian tới nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại công nghiệp 4.0. 

Những năm gần đây, với các nỗ lực không nhỏ của Hội KTS Việt Nam, đã có những tín hiệu tốt cho hoạt động kiến trúc. Đặc biệt là sự ra đời và bắt đầu có hiệu lực của Luật Kiến trúc. Cùng với đó là nhiều ý kiến phản biện, góp ý của Hội trước những hiện tượng, vụ việc bất cập, tiêu cực có yếu tố kiến trúc. Đồng thời là những ý kiến tư vấn của Hội cho Nhà nước trong việc xây dựng chính sách và quản lý về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch. Phải ghi nhận cả tiếng vang, sự chú ý đối với các giải kiến trúc quốc gia, kiến trúc xanh của Hội qua việc tôn vinh nhiều công trình tiêu biểu, từ đó góp phần tác động vào giới nghề và xã hội. Theo GS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ủy viên Thường vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian tới, Hội sẽ chú trọng phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ, thúc đẩy xu hướng kiến trúc tiến bộ, tăng cường phản biện, phản đối những biểu hiện kiến trúc lạc hậu, không phù hợp. Hội cũng chủ trương làm tốt vai trò tư vấn cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và nâng cao nhận thức cộng đồng. 

Rất đáng lưu tâm, là để những định hướng, góp ý của Hội lan tỏa vào suy nghĩ của đông đảo người dân, định hướng sâu rộng vào hoạt động kiến trúc, xây dựng đang diễn ra khắp nơi, thì dường như còn là cả một nỗi băn khoăn. Mà phải đi sâu được vào quần chúng, thì tri thức, ý kiến, ý tưởng, sự tham vấn của hội nghề, người làm nghề mới phát huy tác dụng. Ở đây, như đề nghị của Phó Thủ tướng, rõ ràng phải có sự đồng hành rất quan trọng của các cấp lãnh đạo, quản lý, bởi hội nghề nghiệp không thể có vai trò quản lý, điều chỉnh hoạt động như cơ quan nhà nước. Hợp tác và tranh thủ sự đồng hành là một “kim chỉ nam” rất đáng để Hội chú trọng tạo dựng, phát huy trong nhiệm kỳ tới. 

Với sự tham dự của gần 500 KTS, đại diện cho hơn 6.000 hội viên trên cả nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 Hội KTS Việt Nam đã bầu ra Ban Chấp hành khóa mới gồm Chủ tịch Hội: KTS Phan Đăng Sơn và bốn Phó Chủ tịch là các KTS Đặng Kim Khôi, Nguyễn Trường Lưu, Nguyễn Thu Phong, Hoàng Thúc Hào, cùng 10 KTS trong Ban Thường vụ Hội.