Ấm tình người thầy giáo thương binh

NXB Thanh niên vừa ấn hành cuốn nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của nhà giáo thương binh Đinh Đức Lâm. Đây là tập nhật ký thời chiến đầu tiên của tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” mà tác giả là một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận.

Thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm (bên trái) tại buổi ra mắt sách.
Thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm (bên trái) tại buổi ra mắt sách.

1. Nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm năm nay 75 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Xã Tiên Động - Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân có 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mặc dù trong nhà đã có người anh trai Đinh Đắc Khâm vào bộ đội  năm 1965 và vào nam chiến đấu (đi B) năm 1966, nhưng thầy giáo Lâm khi đó mới 22 tuổi vẫn nhập ngũ vào chiến trường B đầu năm 1969.

Cuốn nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” chính là những ghi chép của tác giả trong quãng thời gian chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, từ ngày 21-7-1969 tới 3-3-1973. Qua một số người bạn, đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng đã biên soạn và chia nhật ký này thành 12 phần nhỏ và đặt tên cho mỗi phần. Điểm nổi bật nhất của cuốn sách nằm ở những trang tự thuật của ông Đinh Đức Lâm về những người đồng đội vào sinh ra tử, được chính tác giả cứu hoặc là ân nhân cứu mình. 

Ấm tình người thầy giáo thương binh -0
 

Trong nhật ký, sau một trận đánh vào đêm 21-7-1969, Lâm bị lạc rừng. Anh phát hiện ra chiến sĩ Lê Văn Thụ, quê Thái Bình cũng đang bị lạc như mình. Nhưng khi đó Thụ bị đạn bắn gãy chân, không thể đi được. Lâm nhất định không bỏ Thụ lại trong rừng. Anh tình nguyện cõng Thụ, sau ba đêm vượt khu rừng đầy thám báo và ổ phục kích của địch, nhờ dũng cảm và mưu trí, hai người đã tìm thấy đồng đội và trở về đơn vị an toàn. 

Lần thứ hai là đêm 29-3-1970, trong một trận chiến ác liệt với một đơn vị lính Mỹ tại trảng Bà Điếc, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, đến lượt Trung đội phó Đinh Đức Lâm bị thương nặng. Trận đánh đã kết thúc thắng lợi, Lâm cùng đơn vị rút vào rừng. Tổ của họ có ba người là Đinh Đức Lâm, Đặng Đình Kiền và một chiến sĩ tên là Lý rút cùng nhau. Họ đã vào sâu trong rừng, nhưng địch vẫn bắn súng cối theo. Một quả đạn cối nổ chỉ cách ba người có vài mét. Chiến sĩ Lý bị mảnh xuyên trúng ngực, hy sinh ngay tại chỗ. Lâm bị mảnh đạn chém hở xương cánh tay trái, cụt một ngón bàn tay phải và hai vết thương sau lưng. Đêm đó, chính anh Kiền đã khoác hai khẩu súng và dìu Lâm xuyên rừng tìm về đơn vị. Những kỷ niệm vào sinh ra tử này chính là nguồn cảm hứng lớn nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với độc giả, trở thành tiêu đề cho cuốn sách.

2. Ngoài ra, phần sau của nhật ký này còn có tự truyện với tựa đề “Một liệt sĩ sống lại” của ông Đinh Đắc Khâm, anh trai ruột của tác giả Đinh Đức Lâm. Tác giả tự truyện này chưa hề tới trường, mà tự học và được khai văn hóa lớp 4 khi vào bộ đội. Trong một trận chiến đấu ác liệt, ông Khâm bị thương và bị địch bắt làm tù binh, giam ở Trại tù binh Phú Quốc trong hơn 5 năm. Tinh thần anh dũng, kiên trung của các chiến sĩ trong nhà tù Phú Quốc sống lại trong những trang viết trung thực, xúc động của ông Khâm.

Trong vai trò một người thầy, thương binh Đinh Đức Lâm đã dành một phần tư thế kỷ rèn giũa cho nhiều học sinh nên người, thành đạt và đóng góp cho xã hội. Trong gia đình, truyền thống yêu nước và hiếu học tiếp tục được các con, các cháu ông kế thừa. Sau những năm tháng chiến tranh, ông Lâm cũng là người đi tìm lại những đồng đội năm xưa trong trang nhật ký của mình là ông Lê Văn Thụ và ông Đặng Đình Kiền. Trong cuộc gặp gỡ của ông Lâm và gia đình liệt sĩ Lê Văn Thụ, ông Lê Văn Ty, em trai và đại diện gia đình liệt sĩ, xúc động nói: “Bác Lâm là một người tổng hợp của nhiều tình cảm. Thứ nhất là tình cảm của một nhà giáo mẫu mực đối với học trò và phụ huynh. Tình cảm thứ hai là tấm lòng giữa những người chiến sĩ QĐND Việt Nam, chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do. Thứ ba là tình cảm giữa con người với nhau, thể hiện qua hành động tưởng nhớ, tìm lại những đồng đội đã khuất”. 

Sau hơn 50 năm, những dòng chữ đã nhòe mờ trong cuốn sổ tay nhật ký cũ nát của thầy giáo thương binh Đinh Đức Lâm đã trở thành tài sản tinh thần của các thế hệ sau. Đó cũng là di sản quý báu cho cộng đồng và xã hội và bài học lịch sử, nhắc nhớ về một thời kháng chiến khói lửa ác liệt nhưng vẫn thấm đượm tình người, tình đồng đội thiêng liêng.