“Yêu đến vô cùng, xa đến muôn trùng”

- Chứ đây là con nhà ai chi bay?

- Con nhà choa. Chứ mi mằn răng mà vô đây nằm rứa bay?

Tiếng hỏi han, thăm nom từ giường bệnh bên cạnh làm tôi khẽ cười. Tuy cùng Thanh Hóa nhưng quê tôi phía tả ngạn sông Mã, giáp Ninh Bình nên giọng nói vẫn đậm âm sắc “tiếng phổ thông” hơn, thiếu “bản sắc xứ Thanh” hơn và dễ nhầm lẫn là người Đông Bắc Bộ hơn là người Bắc Trung Bộ đúng vùng miền địa lý mà Thanh Hóa được phân chia.

Cái chất giọng lai giữa Đông Bắc Bộ với Nghệ Tĩnh nhiều khi nghe thân thương mà hay hay, là lạ. Nếu đúng như cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu giải thích, giọng nói là kết quả của nguồn nước thì mỗi lần xôn xao nghe tiếng quê Thanh, lại bâng khuâng nhớ về một vùng “sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi...”. Cũng giống như đến tận giờ, đi trên đường Hà Nội đông đúc mà tình cờ gặp chiếc xe biển 36, vẫn muốn đi chậm lại hỏi với sang: “Quê mô bay ơi?”, để nhăn răng cười chào nhận đồng hương.

Có vài lần lên taxi hoặc gặp mặt chốn đông người, chào nhau vài câu đã cười cười hỏi lại: “Thanh Hóa đúng không?”. Cái âm sắc giọng nói mà chỉ mỗi dân cùng tỉnh mới bắt sóng tinh tường được khiến cả hai phía cười xòa, còn thằng bạn đi cùng một lần hứng chí xuất khẩu ngân nga trêu chọc:

“Nói ngọng là tại hướng đình

Cả làng tau ngọng riêng mình tau mô!”

Thành phố tỉnh lỵ nằm ven sông Mã, vẫn nhớ lần đầu tiên tôi đến là đi cùng anh rể đi mua chiếc tivi đen trắng đầu tiên hồi đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi làng vừa có điện. Vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp của cậu bé đất thuần nông lần đầu tiên lên thị xã (hồi đó chưa là thành phố như bây giờ). Khi đó thì đã hiểu, tại sao mấy bà chị họ trước khi đi lấy chồng được bố mẹ cho lên thị xã đi chơi một ngày, mua quần áo mới, ăn kem Vườn Hoa... rồi về “đi bộ theo chồng” bắt đầu cuộc sống mới đầu tắt mặt tối với lũ con, quanh năm có khi không thấy quốc lộ…

Vì ngược đường, cũng vì không mấy liên quan nên dù ở Hà Nội, mỗi năm vào TP Hồ Chí Minh khoảng vài chục lần, Vũng Tàu dăm ba lần nhưng có khi vài năm mới ghé thành phố Thanh Hóa một lần. Nếu có ngủ lại thì toàn ngủ trong... bệnh viện, lúc trông bố nằm phòng cấp cứu, khi trông mẹ gãy tay... Cũng vì thế mà dù đã đi khắp bắc chí nam, nhưng những vùng đất nổi tiếng, những cảnh đẹp xứ Thanh như Thành nhà Hồ, phủ Trịnh, suối cá Cẩm Lương hay đền Bà Triệu, Thái miếu nhà Lê... mãi gần đây mới rủ mấy đứa cháu tranh thủ ghé thăm. Thậm chí Sầm Sơn, sau 22 năm mới đưa con gái rượu quay trở lại, khi đó con mới năm tuổi đã biết giương đôi mắt tròn xoe trong veo lên ngơ ngác hỏi:

- Ba ơi ba, họ nói “chổ tê có đám bới nhau” là gì hả ba?

Tôi đành dịch lại “chỗ kia có nhóm hát thi” rồi bật cười mà dắt con đi.

Thanh Hóa, vẫn nhớ một buổi chiều giáp Tết, đi xe đò từ TP Hồ Chí Minh ra đến bến xe nội tỉnh, hai chân sưng vù không nhét nổi vào giày. Lấy chiếc xe máy cột trên nóc xuống chạy về nhà, ghé qua nhà người yêu cũ thấy mẹ bạn ấy đang mua đào trưng Tết...

Thanh Hóa, là mưa phùn gió bấc hun hút đường ray sân ga ảm đạm trong một đêm ngồi chờ tàu đến. Văng vẳng trong đầu là lời nói với em trước lúc khoác ba-lô: “Anh vào trong này công việc vậy, chẳng biết khi nào về được đâu...”.

Vẳng bên góc phố, luyênh loang lời ca xưa tan loãng trong gió bấc mưa phùn:

“Yêu và yêu và yêu, yêu đến vô cùng...

Xa và xa và xa, xa đến muôn trùng...”

Xứ Thanh ơi...