Xóm Quảng miền Tây

Tôi có quen thân người chị quê Cà Mau và gọi chị là “chế” như cách người Cà Mau gọi chị ruột trong nhà. Nhưng tôi đã rất bất ngờ khi về quê dự đám cưới của chế mới biết cả gia đình, cả xóm nơi chế ở đều là người gốc Quảng Nam. 

Nội của chế kể, dòng người di cư từ một số huyện của Quảng Nam vào Đầm Dơi (Cà Mau) bắt đầu vào những năm 60 của thế kỷ trước. Với bản tính cần cù và chịu khó, những người Quảng xa quê đã bắt tay gây dựng nơi chốn an cư lạc nghiệp. Thời ấy, người dân nơi đây khá e dè họ vì giọng nói, vì trong tính toán làm ăn thường kỹ lưỡng mà người địa phương cho là dè sẻn, hà tiện. Sau này, nhờ chăm chỉ làm ăn và vun vén tình làng nghĩa xóm, họ dần có được thiện cảm của người địa phương. Thêm vào đó nhiều cuộc hôn nhân giữa người Quảng và người nơi này đã kết thêm tình nghĩa xóm giềng.

Ba mẹ của chế cũng là một mối nhân duyên như vậy. Ba chế là người Quảng, mẹ chế là con gái xứ này. Lời kể của bà nội và những chuyến về thăm quê đã cho các anh chị em chế cái nhìn ngọt ngào về một xứ Quảng tuy thường xuyên phải chịu những khắc nghiệt của thiên tai nhưng con người luôn kiên cường, mạnh mẽ. Ở nơi đó bà nội đã có những tháng ngày ấu thơ phơi mình giữa ngọn gió bỏng rát miền duyên hải. Còn Cà Mau cho ba gặp mẹ, cho đất lành xây nhà dựng cửa. Đất đai, cây cối trù phú, con cá con tôm quẩy mình đêm nước ròng nước lớn. Hình thành nên nhân cách và tính tình của dòng người Quảng xa quê vào đây lập nghiệp có sự kỹ lưỡng trong tính toán làm ăn nhưng cũng có sự mộc mạc, phóng khoáng đậm chất miền Tây sông nước. Các anh chị trong nhà vẫn nói chuyện với nhau bằng giọng Quảng nhưng cách gọi thì đúng kiểu ở Cà Mau, đó là gọi chị của mình bằng “chế”.

Sẵn nói về giọng Quảng, chế kể sở dĩ tôi không biết chế là người Quảng vì chế lớn lên ở Cà Mau nên nói giọng miền Tây nhưng cũng như các anh chị khác trong nhà, vừa về nhà đã nói bằng giọng Quảng. Có lần quên, ba của chế tằng hắng nói: “Mi núa cái chi?” là chế và mấy anh em biết ý ba nhắc khéo. Dường như với ba chế, việc giữ giọng nói quê hương cũng là một cách để các thế hệ người Quảng xa quê giữ gìn hồn quê cố xứ. Cũng như cái cách mẹ chế “nhập gia tùy tục” khi về chung sống với ba. Mẹ chế làm rất ngon ba khía muối, nấu canh chua cá lóc bông súng nhưng cũng truyền cho các con mình tình yêu với món ăn, gia vị đậm đà xứ Quảng. Trong bếp chưa bao giờ hết những bọc mì Quảng, bánh tráng đủ loại. Bây giờ xe cộ tiện lợi, các cô ngoài quê vẫn hay gửi vào bánh tráng, củ nén, dầu phụng... Những lúc ấy, ba chế luôn mân mê trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Túi quà quê thơm thảo còn đượm mùi nắng gió đường xa như gợi lại cả một trời quê ấm áp. 

Ngày đám cưới chế, mọi người trong xóm xúm xít lại phụ, giọng Quảng. Mọi người hồ hởi hỏi thăm tôi, chuyện trò gần gũi như người thân ở xa mới về. Sau ngần ấy năm chọn Cà Mau làm bến đỗ cho con tàu cuộc đời, những thế hệ người Quảng vẫn âm thầm một mạch nguồn xuôi chảy, lẳng lặng mà đượm nồng tình Quảng thân thương.