Những ngày hè rực rỡ

Bắt đầu từ lớp 3 cho đến những năm học cao đẳng, hè nào tôi cũng lãnh chức tổng quản đàn bò bình quân trên dưới năm con. Thâm niên gần 15 năm chận (chăn) bò hẳn cũng là một “giai thoại” tuổi thơ. Bây giờ, tôi thường mỉm cười tự hào khi những mùa hè tuổi thơ ùa về trong tâm trí - đó quả là những ngày hè vui nhộn và bổ ích.

Ảnh: LÊ MINH
Ảnh: LÊ MINH

“Nghề chận bò” cũng lắm công phu. Thiệt đó! Không phải nói đùa đâu. Có bài vở hết. Ban đầu cầm roi theo chị Sáu học việc. Chị sẽ chỉ những nơi nên thả bò. Muốn được chơi thì thả ở đâu. Muốn dắt bò ăn lẻ cho mập thì nên đem tới đâu. Có “mánh” hết. Không chỉ lùa bò ra đồng thả mà còn lo gìn giữ, kẻo bò phá hoa màu nhà người ta. Rồi còn phải tắm táp, bắt ve, bắt rận để bò thay lông phát tướng. Cam go nhất là phải canh chừng, giải vây khi chúng hăng tiết đấu đá, trầy mình, gãy chân về má mắng. Học việc một thời gian thì chị Sáu quyết định bàn giao, tôi nhỏ nhứt nhà nên “ôm show” - chận một mình. Ban đầu chưa quen thì chận đồng gần, thành thục rong ruổi đồng xa. Mùa đông chận đồng gần nhà, mùa hè đem bò qua bên kia… sông. Ban đầu theo buổi, sau cả ngày - sáng lùa bò đeo thêm gô cơm bên hông.

Thích nhất vẫn là những ngày hè, nước sông cạn ợt, lội xăm xắp hông, khi đó chúng tôi được đem bò qua sông. Lũ tôi thóc lên lưng bò, ôm ụ, thọc chân xuống nước khuấy. Hôm nào nghịch thì bất ngờ nhảy bùm, khoan khoái ngâm mình xuống dòng nước mát, tung nước trắng xóa, cười sằng sặc. Vui nữa là tập bơi. Đứa biết kèm đứa chưa biết. Đứa này cầm chân đứa kia xách ngược, lộn đầu xuống nước rồi thì cuống cuồng duỗi chân đẩy tới, vung tay đập mạnh. Nhiều lần như vậy rồi biết bơi hồi nào không hay. Chắc nhờ những mùa hè sông nước đồng bãi mà đứa trẻ chận bò nào cũng ít nhiều biết bơi.

Qua sông tới rừng. Sướng mê tơi! Thượng đế đã ban đặc ân cho tuổi thơ mục đồng là những đồng cỏ xanh mượt nằm ngăn đôi sông - núi. Một vùng đất cao ráo. Cỏ non xanh mượt. Bò thảnh thơi gặm, mục đồng tha hồ nghịch.

Chúng tôi men theo những bụi cây lùng chim chim, dúi dẻ. Lấn thêm lên sườn núi hái sim. Chán chê thì túm tụm đá gà, lăn vào đám cỏ may chơi trò săn cút. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là vườn lau bên triền núi. Những cánh lau tinh khôi ám ảnh. Dưới ngàn lau trắng xóa, chúng tôi bẻ những cây lau cứng cáp giả trận đánh nhau. Hoặc mải mê tước những cọng lau trắng mềm rải trên những bờ cỏ xanh mượt diễn cảnh Mỵ Châu rắc lông ngỗng. Những bông lau ngọn nến, đốt cháy tuổi thơ dung dị của những đứa trẻ “mục đồng”.

Và còn nhiều nữa những trò chơi mục đồng như thả diều, đánh ná, làm trại, xây nhà bằng cát và vân vân. Không chỉ có chơi, chúng tôi còn tranh thủ… kiếm tiền nữa. Lũ tôi hè nhau đi lượm những thỏi sắt, mảnh đồng và hạt điều khô bán nhôm nhựa. Khi người ta về quê mua phân bò khô lên Tây Nguyên trồng cà-phê, lũ chăn bò chúng tôi có thêm nghề… lượm phân bò. Đứa nào cũng tranh thủ đi lượm, những đồng tiền tự mình làm ra đổi lấy những trang vở trắng tinh, những món đồ chơi yêu thích thì quả không có gì vui sướng bằng.

Có người bạn ở phố bảo, tội nghiệp những đứa trẻ nhà quê, tuổi thơ thiệt thòi đủ thứ, còn nhỏ xíu đã phải đi làm. Tôi lắc đầu. Nghĩ đến thâm niên 15 năm chận bò của mình, tôi dõng dạc tuyên bố: những đứa trẻ chận bò ở quê là những đứa trẻ có tuổi thơ giàu có vào hàng bậc nhất.