Nhớ cơm bột, cơm mảnh

Bây giờ được ăn ngày ba bữa cơm gạo trắng ngần nấu từ đủ loại gạo ngon kể cả gạo tám thơm trong nước, rồi còn được thưởng thức hương vị gạo Thái-lan, Campuchia… là rất bình thường. Nhưng mấy chục năm trước, được bưng bát cơm gạo vụ chiêm cấy trên đồng làng vừa đục vừa cứng trong mỗi bữa ăn thì luôn là niềm mơ ước của những đứa trẻ quê tôi.

Trên dải bãi bồi bên dòng Sông Hồng, mỗi năm phải hứng chịu những đợt nước lũ vào - ra kéo dài khoảng 2 - 3 tháng, sống trong cảnh ngâm tay ngâm chân nên ai cũng bị nước ăn “cắt da rách thịt”, phải dùng nước phèn chua đậm đặc bôi vào, xót ơi là xót. Tuy mất vụ lúa mùa nhưng may mắn còn níu kéo được vụ chiêm xuân và nhất là sau mùa lũ, đồng bãi được bồi đắp lớp phù sa màu mỡ rất hợp cây ngô, khoai…, làm nên những ruộng màu tốt tươi. Hợp tác xã nông nghiệp hướng dẫn bà con chọn lọc, lưu giữ giống ngô cho năng suất cao là ngô răng ngựa, ngô quýt bắp to, hạt mẩy và khá đều từ đầu đến cuối bắp. Lương thực chủ yếu cho bữa ăn hằng ngày là loại cơm chế biến từ bột ngô, gọi là cơm bột ngô và cơm nấu lẫn một phần gạo với hai phần mảnh ngô xay, gọi là cơm mảnh.

Nấu cơm mảnh dễ, chỉ trộn một phần gạo với hai phần mảnh ngô xay nhỏ để sẵn trong vại sành rồi vo và nấu như nấu cơm gạo. Còn nấu cơm bột thì khó hơn. Trước hết, cho ngô hạt vào nồi đun sôi, ngâm khoảng 5 phút, đổ ra rổ cho ráo nước rồi xay bằng cối đá. Thuở ấy, cả xóm chỉ 4 - 5 nhà có cối xay riêng hoặc 2 - 3 nhà chung nhau đóng một cái nên thường đi xay nhờ. Vì vậy, phải xếp hàng và thường mất gần buổi sáng mới xong, nếu vội thì giã chày tay. Sau mỗi mẻ xay dần lấy bột rồi xay tiếp cho đến khi chỉ còn những cái mày (vỏ) ngô thì thôi và để cho lợn. Cuối cùng, dần những bột nhỏ hơn xuống mẹt, phần còn lại ở trên dần là “cái nhì”. Bọn trẻ ở nhà có nhiệm vụ xay (giã) ngô, đổ nước bể vào nồi đồng đun sôi rồi quấy “cái nhì” và ủ trên bếp cho dừ, chờ mẹ hết giờ làm đồng về “ghế bột mịn” bằng hai chiếc đũa cả.

Mẹ “ghế bột” rất khéo nên cơm không vón cục, dẻo là chín, đong mỗi người một bát nhỏ, còn lại đong vào bát to, cuối cùng lấy vỏ con trai vét nồi. Bát cơm vét nồi thường dành cho em út vì nó xôm xốp, dễ ăn. Bữa tối mùa hè ăn nguội nhưng mùa đông thì xếp vào nồi luộc lại cho nóng và đó là món “cơm luộc”. Ngày nghỉ hồi học đại học, mời bạn về ăn cơm bột ngô và cơm luộc nhưng mẹ lẳng lặng xúc thóc giã chày tay nấu cơm gạo. Mẹ bảo: “Con ở trường ăn toàn cơm gạo. Ngày nghỉ về nhà mẹ giã gạo nấu cơm cho mà ăn. Cả tuần không ăn cơm bột sẽ khó ăn đấy”. Mẹ nói rất đúng vì ở quê tôi có khá nhiều em nhỏ không chịu ăn cơm bột nên phải nấu riêng cơm mảnh vào cái niêu đồng hoặc niêu đất be bé và đã thành biệt danh cho đến tận bây giờ mà sau 50 năm mọi người vẫn gọi là Hải niêu, Thành niêu, Mai niêu… Cơm bột, cơm luộc ăn quanh năm, thi thoảng được mẹ đãi bữa cơm mảnh khi trong nhà có người mỏi mệt. Chỉ vào ngày giỗ các cụ, ngày Tết mồng 5 tháng 5, Tết rằm tháng 7 và đặc biệt là Tết cả - Tết Nguyên đán thì mới được ăn toàn cơm gạo chiêm và có miếng thịt gà, thịt lợn liền trong ba ngày!

Về quê vẫn thấy hai thớt cối đá xay ngô thuở nào xếp bên cổng, liền đòi trêu mẹ cho ăn cơm bột. Mẹ cười với hai hàm răng tuy đã mất vài cái nhưng vẫn còn đen nhánh: “Cha bố anh. Nấu được cơm bột bây giờ sẽ là đặc sản đấy. Mơ cũng chả có đâu! Cơm bột, cơm mảnh quê tôi đã vào dĩ vãng nhưng những khi nhớ lại vẫn thấy bồi hồi bởi nó đã nuôi chúng tôi lớn lên.