Ngồi nghe chuyện chiến đấu

Tôi nhớ khi mình bé, bố hay có các chú, các bác đến nhà chơi. Đấy là những người bạn, những đồng nghiệp của bố. Mọi người ngồi uống trà, nói chuyện, đôi khi bố tôi mời rượu, nhắm với lạc rang. Tôi thích được ngồi sau, hay cạnh bố lúc bố có khách, nhưng chỉ là những người khách quen. Thực ra ngồi nghe bố và mọi người nói chuyện, nhưng tôi thích nhất là được ăn lạc rang, thỉnh thoảng bố, hay ai đó lại nhúm cho tôi một ít.

Tôi thấy mọi người hay nói về những ngày ở trong chiến trường, đấy là những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở mặt trận miền nam. Dưới bom đạn, là cuộc sống thiếu thốn và gian khổ, thiếu thốn đủ thứ. Những buổi lội suối leo rừng tìm rau dại, măng rừng, với nhung nhúc vắt... Đôi khi ù ù tiếng máy bay gầm rít, rồi những trận oanh tạc, và từ mặt đất pháo phòng không nã trả.

Hồi đó, chú Sứng là em họ bố tôi hay đến chơi. Chú là lái xe, chuyên chạy tuyến Hà Nội, chú nguyên là lính lái xe Trường Sơn. Chú kể chuyện chạy xe trên những con đường đầy hố bom và nguy hiểm. Đường vừa một chiếc xe qua, một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút. Tay lái phải cứng, nhưng phải “lụa”, không có chuyện sơ ý, tất cả phải căng lên. Đi đêm, tránh sự phát hiện và oanh tạc của máy bay địch, nhưng đi cũng không được bật đèn, kể cả đèn gầm.

Nhưng cũng khó tránh khỏi những trận bom của địch đánh lên đoàn xe. Chiếc xe phía trước trúng bom, lái xe bị thương, thậm chí hy sinh ngay trên vô lăng. Người từ xe sau chạy lên, kéo người bị thương xuống, nhẩy vào cabin lái tiếp, thật nhanh cho xe thoát khỏi tọa độ bom.

Trong những câu chuyện, thỉnh thoảng bố tôi lại đùa: “Còn mang được cái gáo về là phúc đức bảy đời rồi”. “Cái gáo”, là cái đầu, tức là những người lính vào mặt trận mà còn sống trở về là một sự may mắn.

Tôi nhớ nhất là những câu chuyện của bác Bích, bác đi bộ đội, sau bị địch bắt, đầy ra nhà tù Phú Quốc. Bác kể, những đòn tra tấn của cai tù, thật kinh khủng và rùng rợn. Đầu tiên chúng đánh bằng roi da, tiếp đến là dùi sắt nung đỏ, dúi vào người, hoặc để hai bóng điện 500w hai bên thái dương, thậm chí đóng đinh mười phân xiên qua gối... Nhiều người kiên quyết không khai, bị tra tấn cho đến chết. Rồi chuyện vượt ngục, vô cùng khó khăn và nguy hiểm, bởi có thể bị giết ngay, nếu bị bắt... Còn nếu thoát khỏi những vòng canh gác của địch, thì lại đối mặt với sóng gió của biển khơi, nên vào được đất liền là kỳ tích.

Những câu chuyện ngày bé, tôi “nghe lỏm” được của bố tôi với các chú, các bác, vẫn là một điều gì đó in đậm trong tâm trí. Đôi khi tôi cứ tự hỏi, tại sao mình không kể lại những chuyện đó cho con mình nghe nhỉ. Ngặt một nỗi bây giờ lũ trẻ lắm thứ để quan tâm quá, lắm thứ hấp dẫn chúng hơn, nên những câu chuyện về cái thời chiến tranh xa xôi ấy, chúng cũng khó mường tượng được. Nhưng nhất định, một lúc nào đó tôi sẽ kể cho bọn trẻ nghe, những câu chuyện tôi đã nghe được từ khi còn nhỏ.