Lối nhỏ

Lối nhỏ chạy quanh xóm nghèo, khi thì thẳng tắp, lúc lại vòng vèo, quanh co. Lối khoác lên mình bộ cánh xấu xí và quê mùa theo đúng chuẩn phong cách con nhà nghèo: đầu thừa đuôi thẹo, đắp chỗ nọ, vá chỗ kia.

Lối nhỏ

Nhưng lối không cam chịu, cố học đòi theo người ta đính hoa, đính đá. Người ta đính đá quý, kim cương thì lối đính đá ong, sỏi cuội. Người ta gài hoa lụa, hoa ren thì lối thêu mấy cụm hoa dại tươi roi rói. Đẹp hay không chưa rõ. Chỉ thấy mấy người trên phố về quê than thở rằng: “Trời đất quỷ thần ơi! Cái đường gì mà khó đi vậy không biết!”. Lối nghe thế thì phản bác: “Khó đi đâu mà khó đi, mấp mô thêm chút gồ ghề mà thôi!”.

Lối nhỏ có đôi bàn tay xù xì hệt như tay mẹ. Những mô mỏm cứng ngắc tựa vết chai sạn cứ ngày một dạn dày. Những hố lõm thì giống như vết đứt, vết nứt nẻ. Đôi bàn tay mẹ vén, dắt tôi đi còn đôi tay lối ôm nâng những bước chân đầu đời. Bước trên đôi tay ấy tôi té ngã, chảy máu và sứt sẹo nhưng tôi thu được một bài học quý giá: Con đường nào cũng có chướng ngại vật. Nếu bước chậm và chắc thì sẽ ít vấp ngã. Nếu vội vã, ẩu đoảng thì sẽ ngã rất đau.

Mỗi mùa lối nhỏ mang một vẻ riêng biệt. Mùa xuân nhí nhảnh, tràn trề sức sống như đứa bé được lì xì. Mùa vụ khoác lên mình bộ cánh bằng rơm rạ vàng ươm, mềm mại dang tay đón đám quỷ sứ đang lăn lộn vào lòng. Mùa mưa đỏng đảnh khó chiều như con gái mới lớn. Mùa lạnh lại co ro, ủ rũ như bà già tám mươi. Nhưng bất kể mùa nào thì lối vẫn cứ là lối quê mùa và giản dị. Thế rồi mọi người thay cho lối một bộ cánh mới, thị thành hơn, là lượt hơn. Cái bộ cánh trắng phau  này vừa bảo vệ mà cũng vừa giam lỏng lối. Nắng hạn chẳng còn nứt nẻ. Mưa dầm chẳng còn lầy lội. Nhưng mọi người chẳng bao giờ còn thấy những biểu cảm rất đỗi thực thà của lối nữa. Lối buồn nhưng vẫn nguyện một lòng sắc son.

Lối nhỏ có sở thích sưu tập những dấu chân. Từ những dấu chân lon ton của đám trẻ con khi chạy nhảy vui đùa, dấu chân to lấm lem bùn đất của người làng chất phác, dấu chân bổi hổi bồi hồi của đôi lứa yêu nhau cho đến những dấu chân đoàn tụ mùa lễ hội. Lối lưu lại hết thảy và giữ gìn rất kỹ.

Tôi lớn lên theo chồng chất những dấu chân in trên mình lối nhỏ. Và giống như những người trẻ thích sự mượt mà, hào nhoáng khác, tôi bắt đầu mơ về đại lộ thênh thang. Chẳng chút đắn đo, không câu giã từ, tôi rời lối và quăng mình ra giữa đại lộ. Tôi chen chúc giữa dòng người đông nghẹt, hít đủ thứ bụi bặm. Tôi bị xô đẩy, bị giẫm đạp đến méo mó biến dạng. Đại lộ không che chở tôi, đại lộ chỉ chăm chăm vuốt ve những đôi giày bóng bẩy. Khi người đã mệt nhoài, khi thương tật hằn lên chi chít, tôi mới nhớ da diết lối nhỏ và mong ngóng được trở về.

Bước xuống xe, in dấu chân mình lên mặt đường như một nghi thức mở cửa, lòng tôi bình yên đến lạ. Dường như lối nhỏ cũng nhận ra tôi sau khi lục tìm trong vô vàn những dấu chân tưởng chừng đã tuyệt chủng. Lối rung mình mừng rỡ, tôi run rẩy cúi đầu. Lối trải dài chào đón, như muốn nói với tôi, mừng con đã về nhà. Lúc này tôi thấy lối hệt như một bà mẹ quê hiền hậu. Dù cho những đứa con lúc rời đi có vô tình bao nhiêu thì người mẹ vẫn luôn ở đây, dang rộng cánh tay chờ con trở về. Và trong bóng tối nhập nhoạng, tôi bắt gặp mẹ tôi đứng ở cổng, đôi mắt mẹ hướng về thành phố với ánh nhìn đau đáu xa xăm…