Hâm nóng

1. Buổi sáng cuối tuần lửng lơ. Tôi cố tình thức dậy lúc giờ hành chính, tính ra vẫn được ngủ nướng, biếng lười tận hưởng cảm giác khác lạ so những ngày thường.

Bạn thân nhắn tin báo sẽ qua chơi, chắc cũng trưa chật, rồi tụi mình gọi gì về ăn chung. Đã lâu không gặp gỡ. Thời giờ, xa mặt chứ may mà không cách lòng, vì còn mạng xã hội để “qua lại”, vớt vát tình cảm. Nhưng gặp mặt vẫn có nhiều “diện kiến” hay ho hơn. Chúng tôi tha hồ bàn tán về những ý tưởng trở nên sống động, bất chợt hơn. Nói quên đói. Người giao pizza tới, mà vẫn chưa dứt được.

“Chưa muốn lót dạ đúng không?” - Bạn ừ hữm. Tôi lật tấm chăn lên, đặt hộp pizza vào trong, trong sự ngỡ ngàng của bạn:

“Làm trò gì vậy?”.

“Một cách để giữ ấm đồ ăn. Nên nhớ, nhà trọ này không có microware (lò vi sóng) để hâm nhé!”.

“Giờ mới biết đó!” - Bạn trầm trồ.

Còn tôi biết đó đã là “phát minh” xưa cũ, từ thời ở nhà quê khiêm tốn.

2. Phải đến khi đi thật xa để trở về, tôi mới có dịp được ăn và chụp “cơm mẹ nấu” để khoe trên mạng xã hội, bộc lộ niềm hân hoan trong lúc ở quê nhà.

Độ hơn chục năm trước, hiếm khi tôi được ăn “cơm mẹ nấu”. Thay vào đó, tôi ăn cơm do anh chị nấu, là chủ yếu. Cho đến khi anh trai sát tôi, bước đi học xa. Tôi buộc phải kế nhiệm nhiệm kỳ làm “anh nuôi” của gia đình, từ năm 12 tuổi.

Anh như gã đầu bếp thứ thiệt, chỉ tôi nấu nướng, nêm nếm ra sao. Thứ rau nào thì xào với hành tỏi phi thơm hay để nấu canh thì sẽ hợp. Thịt cá ướp gia vị gì rồi kho trong bao lâu. Mâm cơm nhà quê với dăm ba món canh rau bòn hái quanh nhà, món mặn nấu một lần chia ra ăn dần với cơm trắng luôn phải giữ được độ ấm nóng, dẻo thơm. Hồi ấy, tôi thấy phần lớn nhà nhà ở quê, con cái sẽ biết nấu những bữa cơm chờ.

Bởi những buổi hôm, cha mẹ còn mải mê đồng áng hay vườn tược, công xưởng… Mâm cơm nhà đã tươm tất đâu vào đấy, con cái ngồi chờ gục.

Người lớn mách cho tôi về “phát minh”: hãy lèn cơm canh vào cặp lồng, đem ủ trong chăn để giữ hơi ấm, chờ người thương. Thỉnh thoảng, tôi lại hùa tay vào chăn, sờ xem có đủ ấm? Có lần, đứa cháu láu táu qua chơi, nhảy tót lên giường khiến tôi hú hồn, tức tốc lại xem có đổ bể gì không?

Về tới nhà, cha mẹ được “cơm bưng nước rót” - nghe trịch thượng, nhưng nghĩ chỉ thấy, vì thương. Khi giờ ăn thường trễ nải vì tham cố, nai lưng làm lụng. Đôi tay cầm đũa, bưng bát cơm có khi còn vương mùi bùn ngai ngái, mùi nhựa sống cỏ dại, mùi của cói, mây, tre… trên hết, đó là mùi của những hy sinh, hãm mình vì tương lai. Tất cả đã cho đàn con cơ hội đi thật xa, để trở về. Khi ấy, con lại được ăn bữa cơm tại nhà mình. Sau bao năm vẫn đong đầy nghĩa tình trong từng món được nêm nếm chính bởi yêu thương vô vị lợi.

3. Giờ tiện ích tích hợp. Tại nhiều văn phòng được trang bị microware cho nhân viên hâm nóng đồ ăn. Ăn vội rồi tranh thủ giấc nghỉ trưa.

Tôi hay tận dụng thời giờ đó để gọi điện về nhà, như để hâm nóng tình gia đình. Thân thuộc như có thể ngửi thấy mùi vị trong mâm cơm được cha mẹ kể lể bữa nay nấu món này, món kia. Toàn những thứ tôi thèm mà không có mà ăn, vì ở phố khó kiếm siết bao. Đời thường cũng cuốn theo bận bịu, hối hả, nhiều khi cứ quếnh quáng cho qua bữa. Chỉ mong có dịp về quê, ăn cơm nhà với mẹ cha.