Giữa hai dòng nước

Căn phòng này, nhớ hồi sắp cưới, Phan đã tự tay trang trí. Treo thêm tranh ảnh, mua vài cái bình hoa bằng đất mộc, lại thêm một cái phong linh bằng bạc. Vừa làm Phan vừa huýt sáo. Tình yêu và tương lai ngọt ngào bên gia đình khiến lòng anh nở hoa.

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Phan hình dung ra hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ ấm áp. Hằng ngày vợ chồng anh đi làm, kiếm “tấm” mang về. Mẹ ở nhà nội trợ, trông cháu. Một đứa con gái đầu lòng xinh tươi như ngọc. Bữa cơm cuối ngày có rau muống xào tỏi, canh sườn hầm củ sen, thêm cá bống kho mặn, đều là các thức hảo của Phan. Những tưởng tượng đẹp đẽ ấy sau này không khác xa sự thật là bao. Từng việc đều diễn ra giống như dự định của Phan. Chỉ có điều…

Phan nhớ thuở xưa, nhà có cái tivi trắng đen. Mẹ Phan ngồi coi cải lương, suýt xoa phẫn nộ mỗi khi nữ chính đẹp gái ngoan hiền bị hiếp đáp khổ sở. Sao cái bà già chồng kia khó ưa quá vậy? Con gái người ta vất vả nuôi lớn, cho ăn cho học, không thương nó thì làm sao nó thương mình được?

Những lời cám cảnh ấy, sau này ám ảnh Phan. Nhất là từ cái lần Trang ngập ngừng rồi buông một câu hẳn đã phải đắn đo chờ thời cơ nhiều lần:

- Hay là vợ chồng mình dọn ra riêng, hả anh?

Phan biết trả lời vợ ra sao! Nhà anh chẳng phải chỉ có mỗi mình Phan. Nhưng anh là con trai út, làm “bạn” của mẹ nào giờ. Cứ nghĩ tới mẹ mỗi tối thui thủi ra vô trong căn nhà rộng rinh vắng lạnh, là lòng Phan thắt lại. Mẹ còn được bao nhiêu thời gian đâu... Phan nỡ lòng nào vui thú hạnh phúc riêng tư một mình kia chứ. Nhưng cố ở lại đây, thì…

Mẹ ác khẩu. Những chì chiết dành cho Trang ngày càng dày, khắc nghiệt. Phan biết Trang không hiền hay khờ. Vợ anh có kiến thức, công việc và sở thích riêng của mình, cũng không phải mẫu gái trẻ tinh tướng, hỗn hào. Trang còn cuộc đời của cô ấy, không ai, ngay cả Phan, có thể sống dùm được. Trang vì cái gì mà phải chịu sự gò bó bất công dằn hắt cơ chứ. Phan không giàu có, cũng chẳng đẹp trai. Gia cảnh, sự nghiệp, cá tính, tư chất lẫn nỗ lực của anh… mọi thứ chỉ ở mức làng nhàng. Nếu kết hôn với ai khác có điều kiện tốt hơn Phan, cô ấy đã chẳng phải khổ thế này…

- Nó làm gì mà kêu khổ?! Nó sướng muốn chết. Không phải thuê nhà, chẳng tốn tiền gởi con hay thuê ôsin dọn dẹp…

Đấy là phản hồi của mẹ, khi Phan nhân lúc vợ đi vắng, thấy mẹ đang vui liền thủ thỉ. Thái độ thân tình giữa mẹ với con trai lập tức biến mất. Mẹ ca ngay bài ca bất hủ dạo gần đây của mình. Là sinh con trai ra đúng là vô phúc. Nuôi dạy nó lớn, cho nó học hành rồi ra đời đi làm, mà sao nó vẫn ngu. Mình đã sai chỗ nào kia chứ! Để bây giờ vì một người dưng nước lã, nó trở mặt với mình. Nó bênh vực con hồ ly tinh kia mà quay ngoắt lại với mẹ ruột. Nó không màng gì tới mẹ mình ngày càng già yếu vất vả. Nó có nghĩ gì tới mẹ đâu…

Phan bỏ lên lầu. Nuốt cục nghẹn ứ xuống cổ. Bất lực vô cùng tận. Cảm thấy cơ thể như đang bị đau ở đâu đó. Hay là Phan đang muốn đổ bệnh trong người? Phan hồi bé thường hay bị viêm họng. Phải súc nước muối hằng ngày. Ngậm trái kha tử, một loại thuốc bắc chát ngầm, cứng quèo trong miệng. Mẹ cưng chiều Phan lắm. Những đêm học thi, mẹ xay sinh tố cho Phan uống. Luộc trứng vịt lộn. Nấu cháo cá lóc. Mang đến tận bàn cho con trai cưng, ân cần dỗ dành Phan ăn uống.

Năm học lớp mười hai, Phan từng bị sốt xuất huyết. Chú y sĩ gần nhà bảo Phan bị nhiễm siêu vi thôi, không có gì nghiêm trọng. Chịu khó ăn uống, vận động này nọ là khỏe ngay thôi. Phan, dù cảm thấy vô cùng mệt mỏi, tuy không sốt cao, nhưng vẫn ráng đến trường. Đến ngày thứ ba thì Phan không trụ thêm được nữa, nằm bẹp trên giường, dù mẹ liên tục động viên Phan đứng dậy, đừng lười biếng, bệnh sẽ càng nặng thêm. Môi Phan đỏ hồng lên, khô nẻ. Phan không cách gì nuốt nổi mấy món ăn mẹ dày công chuẩn bị.

Mẹ lo lắng đưa Phan qua bệnh viện khám lại. Bác sĩ trực yêu cầu Phan nhập viện ngay lập tức. Khi chờ làm thủ tục để vô phòng cấp cứu, một đứa con trai vốn kỹ lưỡng sợ dơ bẩn như Phan đã khuỵu xuống ngay trên nền gạch lạnh lẽo của bệnh viện…

Mặt mẹ tái đi, run rẩy khi bác sĩ vừa hối hả đẩy Phan trên băng ca trắng toát, vừa trách:

- Chậm thêm vài tiếng nữa là không cứu nổi nó đâu!

Phan khi ấy chỉ muốn nắm lấy tay mẹ, bảo với mẹ là, mẹ đừng lo lắng quá, đừng hoảng loạn đến rơi nước mắt như vậy… Nhưng Phan đã chẳng còn chút sức lực nào. Không biết thời gian trôi qua bao lâu, Phan thiếp đi rồi thức dậy mấy lần trong căn phòng im lìm chỉ có tiếng dụng cụ y tế khẽ khàng va chạm vào nhau. Qua cánh cửa sổ mờ mờ đóng kín, Phan biết đêm đã rất tối. Và hình như bên ngoài kia, trời đang mưa. Phan nằm lắng nghe tiếng đất trời nỉ non buồn bã, tự dưng nhớ tới mẹ. Ồ, mẹ Phan đâu rồi?

Mẹ hẳn đang chờ Phan phía ngoài kia, sau lưng cánh cửa mở ra ngoài trời. Phan cam đoan là như thế. Mặc kệ chị y tá khẳng định, mẹ Phan chắc chắn đang ở trước khu cấp cứu, đợi thông tin như bao nhiêu người khác. Không, Phan cảm nhận được mẹ rất gần. Mẹ không yên tâm nếu cách xa Phan đến vậy, mà sẽ tìm cách loanh quanh bên cạnh chỗ Phan nằm, đợi con tỉnh lại đây mà.

Phan không biết chị y tá đã mở cánh cửa thông ra bên ngoài, nói gì với người phụ nữ mà chị hơi bất ngờ vì gặp ở đó. Nhưng khi chị quay vào, ánh nhìn dành cho Phan thật lạ. Chị gật đầu xác nhận, đúng là có mẹ Phan phía bên ấy. Linh cảm của Phan tốt thật. Chị đã nhắn mẹ Phan yên tâm về nghỉ đi, đừng luẩn quẩn ở đấy nữa. Phan đã qua cơn nguy kịch rồi.

Ký ức ngập ngời yêu thương ấy khiến Phan từng có lúc chủ quan cho rằng, mình hiểu được cả suy nghĩ và tình yêu của mẹ. Phan đã tưởng, mình là người đàn ông lớn nhất của cuộc đời mẹ. Nhưng hóa ra Phan không kham nổi trọng trách ấy. Phan vô dụng. Phan nhu nhược. Phan vụng về. Với Trang cũng thế. Phan chẳng thể bảo bọc, chở che cho Trang như Phan từng hứa hẹn.

Trên chuyến xe từ một thị xã lân cận trở về nhà, sau vài ngày công tác mỏi mệt bám bụi, Phan miên man nghĩ về những hệ lụy bé mọn của cuộc sống. Về tuổi trẻ và tình yêu vội vàng nồng nhiệt dành cho Trang. Về mẹ và bé Su, đứa con gái chào đời cũng không thể làm cầu nối cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt hơn được. Bên đường, một cái đám xá kiểu miền quê đang bập bùng tiếng nhạc. Phan chợt nhớ tới hôm chị gái của vợ kết hôn với một anh Việt kiều khá giả. Cái đám cưới ấy khiến thâm tâm Phan có phần bẽ bàng. Nhà trai đưa qua mười mấy mâm quả, ăm ắp. Nữ trang, vòng vàng lấp lánh, mấy bộ áo cưới cô dâu cũng là hàng hiệu, mang từ nước ngoài về. Vợ Phan tíu tít bên người thân, nụ cười thường trực trên môi, vuốt từng nếp tóc, cắm từng bình hoa. Rạp cưới xông xênh rực rỡ như lâu đài, tuyền một mầu hồng phấn ngọt ngào. Phan nhìn vợ, cô ấy như trẻ ra với niềm vui lây lan từ người chị gái chỉ trạc tuổi mình.

Nhà vợ ý tứ không trầm trồ so sánh gì cả. Trang cũng vậy. Nhưng có một nỗi buồn len vào lòng Phan, nhẹ thôi mà day dứt. Nhất là khi bên vợ và sui gia cho con gái con rể được thoải mái ở riêng, tận hưởng những ngày mật ngọt lứa đôi của họ. Cuộc đời có bao lâu mà phải gò ép làm khổ nhau cơ chứ! Mơ hồ trong lòng Phan cảm thấy ủ ê, tựa như Phan đã hèn kém bất tài, không thể mang lại cho vợ con gia đình một cuộc sống đầy đủ nhất. Phan chẳng bằng người ta, thế nhưng mẹ Phan lại khó hơn mẹ người ta. Sao Phan thấy mình sợ hãi bởi cái ý nghĩ ấy quá đi mất!

Vợ và con dọn đi đã được hai ngày. Trận cãi vã vì cái lý do cơm nước chén bát vụn vặt biến thành lý do để mẹ thể hiện quyền lực chủ nhà: Đuổi con dâu đi! Trang không đợi lâu, càng chẳng cần chờ anh thuyết phục, dàn xếp thêm một lần nào nữa. Lúc vợ con anh bước chân ra cửa, cả gia đình nhỏ của anh đều rơi nước mắt. Chỉ có mẹ Phan, hùng hồn và gay gắt tuyên bố “từ” cả con dâu lẫn cháu nội:

- Đi được cứ đi, nhưng hãy nhớ, muốn quay về thì không đơn giản đâu nhé!

Phan xin nghỉ phép mấy hôm, loay hoay ở chỗ trọ nhỏ xíu vợ mới thuê, đóng thêm cái kệ, sửa lại cánh cửa nhà tắm, dọn dẹp mớ đồ linh tinh bề bộn. Vợ không giận Phan, cũng chẳng đả động một câu tới mai này… Buổi tối, Phan trở lại ăn cơm với mẹ. Căn nhà rộng và mới, nay chẳng còn vợ con Phan, thì có trọn vẹn là “nhà” nữa hay không? Phan thật không dám nghĩ ngợi. Cũng chưa thể mở lời nói với mẹ về dự định, Phan sẽ “chia ca” ra làm hai chốn đi về. Phan đâu thể bỏ mặc bên nào. Nên Phan đành chỉ biết lẳng lặng cắm cúi nuốt vội vài miếng, trong ê hề thức ăn mẹ bày biện. Mẹ nấu toàn mấy món Phan vốn ưa thích, như một cách để “đền bù” cho con trai. Sao Phan ăn lại chẳng thấy ngon gì?

Đêm, giữa bóng tối thinh lặng anh bỗng hoang mang tự hỏi: Trang và bé Su có thật sự đã đến bên cuộc đời Phan, trong ngôi nhà này, tại căn phòng này không? Sao mọi vật dụng quen thuộc bỗng biến mất như chưa từng tồn tại? Cái tủ gỗ hơi hé cửa, Phan bỗng muốn ngồi dậy, tự tay mở ra xem, như để xác nhận rằng trong đó có còn treo đầy bao nhiêu là áo quần của vợ con hay không…

Loay hoay một lúc rồi Phan cũng tự hiểu rằng, đây chưa phải là đêm duy nhất trong đoạn đường muộn phiền dằng dặc phía trước của mình.