Chỉ bấy nhiêu thôi

Sáng cuối tuần nào má cũng gọi điện hỏi thăm, kể lể dăm ba chuyện láng giềng, hàng xóm. Bởi giờ ở quê cũng chỉ còn mình má, nên mỗi lần gọi điện là hai má con tâm sự đủ chuyện dưới đất trên trời. 

Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Bận má kể chuyện cô con gái bà Hai Thương xóm trên bị thằng bồ bỏ bom cho cái bụng chềnh ềnh, giờ bỏ đi không được mà giữ lại cũng chẳng xong. Mới có mười tám đôi mươi chứ nhiêu, còn trẻ người non dạ quá thành ra mọi chuyện vỡ lở rồi, giấu cái mặt đi đâu bây giờ. Ba má con nhỏ giờ đang ngồi rầu rĩ ở nhà. Chuyện thì cũng đã rồi, không chấp nhận cũng đâu có được. Chỉ sợ con nhỏ còn trẻ người, bồng bột mà tính chuyện làm liều. Thành ra cả hai vợ chồng già giờ cứ quanh quẩn ở nhà thay nhau canh chừng con bé.

Hay như chuyện ông Tám Khoai đầu làng mới trúng cọc vé số tháng trước, giờ tự dưng hóa điên hóa khùng, chẳng rõ nguyên nhân. Sáng nào cũng cầm chai rượu đi khắp xóm, hát hò ê a. Hình như bị bùa ngải gì ghê lắm. Nhưng cái giọng ổng thì ngọt như mía, đang lúc thất tình mà nghe ổng hát mấy bài buồn buồn thì chỉ có nước ngồi khóc bù lu bù loa. Rồi má quay qua tôi hắng giọng, chỉ điểm chẳng nương tay “còn mày nữa đó Út, thành phố coi vậy chớ cạm bẫy ê hề, má lo mày nhất, lỡ có chuyện gì chắc má nhắm mắt  không yên”.

Mỗi lần gọi điện lên thành phố hỏi thăm tụi con, chuyện của má dừng lại chỉ nhiêu đó. Nhiều khi nghe hoài phát ngán, toàn chuyện hỡi ơi đâu đâu má lượm lặt mang về rồi tự mình chắp vá thành những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ. Họa hoằn lắm bữa nào trái gió trở trời,  thao thao bất tuyệt một hồi là má khuyến mãi thêm mấy cái ho húng hắng rè rè một bên tai. 

Lúc ấy nghe giọng má vừa giận vừa thương. Giận vì tính má đó giờ bao đồng nhất xóm. Nhà ai có chuyện vui buồn má đều có mặt rất sớm, dù bữa đó cái đốt sống lưng có biểu tình dữ dội đến mấy má cũng cố gắng cà nhắc lết qua. Cũng vì cái tính bao đồng chuyện nhà chưa xong đã lo tỏ tường chuyện làng trên, xóm dưới, mà khi còn sống ba la má hoài. 

Tới độ năm ngoái đài truyền hình tỉnh còn tìm về làm phóng sự. Viết về má như tấm gương phụ nữ thường xuyên giúp đỡ bà con làng xóm, láng giềng. Thương vì má bằng này tuổi rồi mà vẫn cứ cô độc, thui thủi một mình. Cứ lay lắt như khóm hoa bưởi ngoài vườn, tới mùa là tỏa hương nồng nàn rồi lặng lẽ kết trái, đơm bông rồi héo quơ héo quắt. 

Dù đó giờ bên cạnh má đâu thiếu những người đàn ông sẵn sàng chấp nhận làm bờ vai vững vàng bao bọc má, dẫu biết chung quanh má vẫn còn nheo nhóc, đùm đuề đám con nít thi thoảng vẫn mè nheo, nhõng nhẽo đòi má ẵm bồng trên tay mỗi khi ra đường. Dù nén nhang trên bàn thờ ba sau chừng ấy năm bén lửa nghi ngút giờ đã lụi tàn như vốc gió cuối mùa, dẫu chẳng đủ sức mà co kéo những đám lá chuối khô xao xác ngoài vườn, thứ âm thanh mà mãi cho đến sau này, má vẫn tin đó là tiếng bước chân của cha trở về an ủi, động viên mình qua những tháng năm lẻ loi, đơn độc. 

Có bận, để lảng tránh những toan tính suy nghĩ của má, tôi hỏi:

- Sao má không đi bước nữa thử xem thế nào. Giờ tụi con cũng lớn hết rồi, chứ có phải còn nhỏ bé gì đâu để má phải dõi theo quan sát, lo lắng mãi. Bộ má không thèm yêu nữa sao má?

Nhưng má chẳng ứ, chẳng hừ.

Có đứa thì lôi lại chuyện cũ kêu má thử bật đèn xanh với ông Năm Dùi sửa xe đầu làng coi sao, thấy ổng hạp tính má. Hồi đó qua nhà mình lợp dùm má con mình gian bếp suốt. Bữa qua trám lại cái máng cho heo ăn, bao lần sửa xe giúp tụi con mà ổng hổng bao giờ lấy tiền hết ráo. Hình như ổng vẫn còn thương má, nên vẫn mình ên đợi má phía đầu làng.

Chưa kịp nói xong má đã giãy nảy phủi tay la làng viện lý do:

- Trời đất quỷ thần, tụi bây không biết đó thôi, người ổng coi vậy chớ có mùi dầu nhớt khó ngửi thấy mồ. Ngửi hoài riết không phân biệt được đâu là mùi đờn ông, đâu là mùi con nít. 

Rồi hàng loạt cái tên “soái ca” một thời từng qua nhà cưa cẩm má cũng được tụi con kể tên, nhưng má luôn tìm lý do để từ chối. Nhưng cái lý do duy nhất khiến má luôn đau đáu, mà âm thầm chọn cho mình cuộc sống một mình bấy lâu nay là vì má muốn làm tròn bổn phận cũng như lời hứa với ba trước lúc lâm chung, rằng sẽ chăm sóc tụi nhỏ cho đến chừng nào tụi nhỏ nói không cần má nữa rồi mới… tính tiếp. 

Xem ra chiêu này của má cao tay thiệt, vì khi dò hỏi lần lượt bốn đứa con nhưng không có đứa nào dám nói không cần má hết trơn. Vậy là đủ hiểu rồi, má lại có thêm lý do đường đường chính chính mà quan tâm tụi con đến tàn đời. 

Ấy vậy mà lâu lâu không nghe má gọi điện “khảo cung”, tra trấn bằng dăm ba câu chuyện ở quê cũ xì là trong lòng tụi nhỏ đua nhau gõ trống thùm thụp. Đứa này nói đứa kia, đoán non đoán già. Đứa nói “chắc má bệnh nặng không chừng”. Đứa khác nghĩ đơn giản hơn rằng biết đâu xóm có chuyện gì nên má mải mê lăng xăng giúp đỡ. Thành ra quên béng thói quen gọi điện cho đám con hằng tuần. Mà không có đứa nào nghĩ đến tình huống giả định tuy mơ hồ, nhưng biết đâu là thật rằng má làm bộ không gọi cho tụi con, đặng cho cả đám nghi ngờ mà kháo nhau trở về thăm mình. Chứ bao năm nay, dù trong lòng nhớ con biết nhường nào nhưng có bao giờ má xuống nước mà nói mấy lời sến súa đại loại như “má nhớ chúng mày quá”, “chừng nào chúng mày mới chịu về với má vậy bây”... Ngược lại má chỉ bóng gió mượn này mượn kia, mượn những ký ức gắn liền với tụi con để nhắc khéo chúng sắp xếp thời gian mà trở về thăm má. 

Ví như mùa này ngoài vườn đang nở bung biêng mấy chùm hoa bưởi thơm ngát, má liền xách chiếc điện thoại cảm ứng mà bữa vợ chồng anh Hai cho, được má cất kỹ trong hộc tủ mang sang nhờ mấy đứa nhóc bên nhà hàng xóm chụp dùm, tiện tay nhờ gởi cho đám con rồi hỏi bâng quơ rằng: “Mùa hoa bưởi nở rồi đó thằng Hai, bé Ba, thằng Tư,  bé Út... Có đứa nào muốn về thì báo trước má nha, chớ dạo này má bận lắm”. 

Đọc xong chắc thể nào tụi nhỏ cũng sẽ thắc mắc không hiểu má làm chi mà bận thế, mà ít đứa biết rằng thật ra má đang rất rảnh, chỉ có điều má đang bận đếm xem có bao nhiêu đứa gọi điện cho má, xếp lịch hẹn ngày về, đặng còn chuẩn bị đón tiếp. Đời những người già như má ở quê, chỉ cần được bấy nhiêu đó thôi mà cũng đủ vui cả tuần chưa hết...