TS Phan Tuấn Anh:

Từ thơ ra nghiên cứu

Phan Tuấn Anh (ĐH Khoa học Huế) là một trong không nhiều tiếng nói phê bình 8x xác lập được giọng điệu riêng với sức viết dồi dào, sôi nổi, giàu năng lượng chữ. Cuốn “Văn học Việt Nam Đổi mới - Từ những điểm nhìn tham chiếu” (NXB Văn hóa - Văn nghệ) mới ra mắt của anh đã nhận được những đánh giá tích cực. Thời Nay có cuộc trò chuyện với anh.

Từ thơ ra nghiên cứu

Phóng viên (PV): Hình như anh “khoe mình” bằng thơ trước rồi mới đến phê bình?

TS Phan Tuấn Anh (PTA): Thực ra đối với tôi, thơ là tiếng nói của tuổi trẻ, bạn sẽ không bao giờ có thể làm thơ khi trong trái tim không say đắm yêu đương, hay chí ít ra là khổ đau vì một điều gì đó. Tuổi trẻ là tuổi của thần ái tình, và phàm đã bước chân vào đường tình, có ai lại không nếm khổ đau.

Nghiên cứu văn học thì ngược lại. Vì nghiên cứu là một công việc khoa học nhọc nhằn, thiên về lao động, tích lũy nhiều hơn. Bạn sẽ không thể viết 10 trang nếu không đọc chí ít 100 trang, thậm chí 1.000 trang, và suy ngẫm. Suy ngẫm cũng mất nhiều thời gian, chưa kể chỉnh sửa, nghe góp ý từ thầy cô, bạn bè.

Ấy vậy nên tôi đi từ thơ ra nghiên cứu văn học cũng là một lựa chọn không có gì bất thường. Hai mảng này không đối lập, mà như hai mặt của tờ giấy, bổ trợ lên nhau. Tôi luôn lỡ tay đổ nước lên tờ giấy ấy, nên thơ ca và lý luận chồng lớp, thấm đẫm lên nhau. Đó là nhược điểm của tôi, nhưng mà tôi muốn thế và cũng cố tình làm vậy.

PV: Phần đa các nhà phê bình, đặc biệt là phê bình trẻ, thường chọn lối đi an toàn là “đắp mộ cuộc tình” cho những giá trị cũ, những giá trị đã được “xếp hạng di tích”. Phan Tuấn Anh không thế. Anh lao thẳng vào những tác giả trẻ, các vấn đề của văn chương đương đại với thái độ sòng phẳng, riết róng. Có vẻ như lối đi này “ít quà” và nhiều thử thách?

PTA: Từ khi là học sinh phổ thông, tôi thấy thật khó viết một cách sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân nếu bạn cứ mãi nghiên cứu về những điển phạm, thần tượng văn chương? Tôi khởi nghiệm nghiên cứu bằng một đam mê văn chương đương đại, của thế hệ mình, đó là truyện tranh. Đề tài ấy sau bất ngờ được nhận Giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc. Tôi cũng nghĩ các giám khảo trao giải cho nghiên cứu ấy vì tính mới mẻ, kỳ lạ, ngoại biên của nó. Từ đó, tôi lóe lên một ý nghĩ “ma mãnh” rằng, hãy nghiên cứu về những mảng văn học ngoại biên, những con đường mới, những tác phẩm đương đại. Sau đó, tôi nghiên cứu văn học mạng, truyện trinh thám, văn học hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và dĩ nhiên là truyện tranh nữa.

PV: Trong chuyên luận “Lý luận phê bình trẻ hiện nay - Thế hệ F, thực trạng và những soái ca” anh đã có cái nhìn tổng quát và điểm huyệt lực lượng của thế hệ mình. Tuy nhiên, nếu phải nói một cách ngắn gọn, thì anh sẽ nói

PTA: Nếu nói một cách đơn giản nhất, tôi nói chỉ trong một câu, với hai vế. Lực lượng lý luận phê bình trẻ hiện nay đang là trụ cột của đời sống văn chương đương đại, bởi họ được sinh ra cùng thời, sử dụng (viết và đọc) thành thạo hệ hình ngôn ngữ mới - ngôn ngữ mạng/máy tính.

PV: Còn lực lượng viết trẻ, đối tượng nghiên cứu của anh hiện nay, ra sao, thưa anh? Họ đã làm được gì, còn thiếu gì? Và anh kỳ vọng gì vào thế hệ viết cùng thời?

PTA: Tôi thích một ý đại ý thế này, động lực sáng tạo và cách tân của đời sống văn học bao giờ cũng chỉ có thể trông cậy vào những người trẻ. Thời nào cũng thế, tuổi trẻ là bình minh của sáng tạo. Họ dĩ nhiên (có thể) không hiểu biết, uyên bác hơn thế hệ trước, nhưng họ mới mẻ, liều lĩnh, thông minh (theo quy luật của sinh học) và là sản phẩm của một thời đại mới. Chúng ta không tin tưởng, nhờ cậy và cổ vũ cho những nhà văn trẻ ngày nay, thì còn biết trông cậy vào ai?

Tôi vẫn thích, và mong mọi người cũng đồng ý với câu tục ngữ mà người xưa đúc kết: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Văn học Việt Nam phải đi lên, hôm nay phải hơn ngày hôm qua, thế mới hợp quy luật vận động. Những điều đã làm và giới hạn thì tôi đã trình bày trong “Văn học Việt Nam Đổi mới - Từ những điểm nhìn tham chiếu”.

PV: Xin cảm ơn anh!