Con trai cố nhà báo Wilfred Burchett:

“Phấn đấu để có cái riêng của mình ở Việt Nam”

Vừa qua, họa sĩ George Burchett, con trai cố nhà báo Wilfred Burchett đã cung cấp tư liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam để tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề “Wilfred Burchett - Ấn tượng Hồ Chí Minh và câu chuyện nhà báo chiến trường”. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với ông.

“Phấn đấu để có cái riêng của mình ở Việt Nam”

Phóng viên (PV): Lý do gì khiến ông quyết định cung cấp tài liệu để Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức cuộc triển lãm này?

Họa sĩ George Burchett (GB): Đó là dự định mà tôi đã ấp ủ từ lâu, nhất là sau khi trở về từ kỷ niệm 70 năm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tôi đã kết nối, bàn bạc kỹ hơn với Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Chúng tôi chủ yếu làm việc qua email nhưng như bạn biết đấy kết quả là rất tốt.

Lần này, tôi đã hiến tặng bảo tàng ba cuốn sách quý đã xuất bản của nhà báo Wilfred Burchett về đề tài Việt Nam (“Cuộc kháng chiến thứ hai của Việt Nam” năm 1965, “Việt Nam chiến thắng” xuất bản năm 1970 và “Đường tới tự do” xuất bản năm 1978) và một tập bản thảo ghi lại những chuyến đi của Wilfred Burchett ở vùng giải phóng miền nam Việt Nam từ năm 1963 - 1966 cùng với trên 200 file ảnh của nhà báo Wilfred Burchett cùng một số tư liệu khác trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và sau khi Việt Nam thống nhất, từ năm 1954 - 1983.

Đây là một số hình ảnh chưa từng được công bố. Đối với tôi, những hình ảnh này luôn có xúc động mạnh mẽ, dù tôi biết vai trò của tôi còn rất nhỏ so sự nghiệp của cha mình.

“Phấn đấu để có cái riêng của mình ở Việt Nam” ảnh 1

PV: Nhiều người đã nói về cha của ông như một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, còn cảm nhận của ông về người cha thì sao?

GB: Cha tôi là nhà báo phương Tây đầu tiên cung cấp những thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam từ “phía bên kia”, tức là phía bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cha tôi chọn cách đứng về phía Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ, trong khi Chính phủ Australia lại ủng hộ Washington và thậm chí còn đóng góp quân cho cuộc chiến. Vì thế, ở đất nước mình, ông bị coi là kẻ phản bội. Trong khi những bài báo của ông bị giới truyền thông theo tư tưởng bảo thủ ở Australia tẩy chay, thì chúng lại được cộng đồng phản chiến trên thế giới đón nhận. Ở tuổi ngoại ngũ tuần, ông vẫn xông pha trên chiến trường miền Nam Việt Nam, vào khu địa đạo Củ Chi, mặc quần áo bà ba đen, vác ba-lô, lội nước, đội mũ rơm…

Đó cũng là lý do mà Chính phủ Australia đã từng gây khó dễ cho ông, từ chối hộ chiếu của cha tôi trong 17 năm. Vì vậy, từ năm 1955 - 1972 ông đã di chuyển dọc miền bắc Việt Nam bằng giấy thông hành và sau đó bằng hộ chiếu Cuba do Chủ tịch Fidel Castro cấp cho ông. Tuy nhiên, việc thiếu tấm hộ chiếu Australia đã không ngăn được ông viết những câu chuyện tuyệt vời trong thời gian đó. Nó chắc chắn đã không ngăn nổi ông tới khu giải phóng miền nam Việt Nam!

PV: Được biết ông là người sinh ra tại Hà Nội và lớn lên trong câu chuyện của cha kể về Việt Nam. Vậy chắc hẳn tình cảm của ông dành cho Việt Nam cũng luôn đầy ắp?

GB: Hiện nay, tôi đang làm việc như một nhà báo, một họa sĩ, một nhà làm phim tài liệu với một số dự án tại Việt Nam. Đặc biệt, tôi cũng đã viết một số bài báo đã được đăng trên Vietnam News. Tôi có một sự tiếp nối từ người cha nhưng dần dần tôi cũng muốn có cái riêng tại Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ đi theo hướng đó và có sự cộng tác tốt đẹp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trải qua rất nhiều năm, Việt Nam luôn là tâm điểm câu chuyện của thế giới vì thế đã có hàng nghìn nhà báo phương Tây đã đến đây. Tôi hy vọng từ khía cạnh chính trị, cha tôi sẽ trở thành biểu tượng, có sức hút lan tỏa và ảnh hưởng đến hoạt động báo chí nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Tôi lớn lên trong câu chuyện mà cha tôi kể về Việt Nam. Tất cả những tư liệu được trưng bày ở đây là cái nhìn của tôi về cuộc chiến ở Việt Nam. Tôi thấy những hình ảnh mà cha tôi chụp được rất bình dị, đời thường và tất nhiên chiến tranh luôn là điều gì đó rất kinh khủng, nhưng chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa nên luôn tin vào chiến thắng. Vì vậy, cha tôi đã viết cuốn sách “Việt Nam chiến thắng” vào năm 1968. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ luôn chiến thắng trên tất cả mọi mặt.

Dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn luôn ủng hộ Việt Nam, trong đó có việc ủng hộ tư tưởng báo chí cách mạng mà cha mình đã theo đuổi. Tôi là họa sĩ nên không muốn nói nhiều lắm, tôi muốn để hình ảnh nói lên sự kiện này.

PV: Qua cuộc triển lãm này, ông có mong muốn gì muốn được chia sẻ?

GB: Tôi hy vọng những tư liệu của cha mình sẽ trở thành những câu chuyện sống động không chỉ cho những người làm báo hiểu hơn về con người của Wilfred Burchett mà còn về cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ lưu giữ những tư liệu quý giá này bởi nó mang giá trị lịch sử chất chứa những câu chuyện, hình ảnh chân thực được ghi lại trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Hơn nữa, như tôi đã khẳng định có hàng nghìn nhà báo phương Tây đến Việt Nam nhưng không có nhiều nhà báo như cha tôi khi đưa tin chân thực về Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!