Sàn đấu giá nghệ thuật Việt

Quẩn quanh chuyện thật - giả

Phiên đấu giá thứ năm của Nhà đấu giá Chọn “thành công ngoài mong đợi” khi tổng mức giao dịch đạt 83.400 USD. 12 hiện vật được đem ra đấu giá lần này liên quan đến hai “bộ tứ huyền thoại” của Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, sau đó câu chuyện thật-giả vẫn dấy lên nhiều tranh cãi…

Bức tranh “Tình yêu đầu tiên” được bán tại Chọn với giá kỷ lục (so với các tác phẩm được bán tại đây trước đó) là 41.000 USD.
Bức tranh “Tình yêu đầu tiên” được bán tại Chọn với giá kỷ lục (so với các tác phẩm được bán tại đây trước đó) là 41.000 USD.

Bất ngờ lớn ở phiên đấu giá!

Nói phiên đấu giá này là “nghiêm trọng” bởi hai lý do: Một là, phiên này đưa ra tên tuổi của hai “bộ tứ huyền thoại” (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, và Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái) trong giới mỹ thuật. Hai là, có một bức sơn dầu của danh họa Bùi Xuân Phái, đã từng được đấu giá tới hai lần ở nước ngoài với hai phiên bản khác, vẫn được nhà đấu “dũng cảm” đưa ra (lần này là bản thứ ba ra công khai), mà câu chuyện thật - giả vẫn rất khó chứng minh.

Các tác phẩm đấu giá, là 11 bức tranh khắc của 11 họa sĩ nổi tiếng in trong tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du xuất bản năm 1942; hai bức ký họa chì của Tô Ngọc Vân; ba bức ký họa bút sắt, sáp mầu và mầu nước của Bùi Xuân Phái cùng một bức sơn dầu nhỏ đang gây tranh cãi. Một bức chì và hai bức bột mầu của Nguyễn Tư Nghiêm. Một tượng chân dung Nguyễn Sáng nhỏ và một bức phác thảo chân dung bằng bột mầu của Trần Văn Cẩn... Không có tác phẩm nào lớn và chất liệu bền vững. Nhưng đưa ra đấu giá công khai, minh bạch bằng các giao dịch mẫu, cũng đã là cố gắng rất nhiều trong tình trạng tác phẩm của hai bộ tứ này bị giao dịch ngầm với giá rất cao, lẫn lộn thật-giả đến mức không còn căn cứ để phân biệt.

Cuối buổi đấu, một số hiện vật cũng không có ai trả giá, đó là một ký họa chì của Tô Ngọc Vân, hai ký họa của Bùi Xuân Phái. Bộ tranh in khắc minh họa Truyện Kiều cũng không ai mua, mặc dù giá phát ra không cao (5.000 USD). Tiết mục “đinh” của phiên đấu là bức “Phố cũ” của Phái cũng không đạt giá cao, phát giá 8.000 USD, bán ra giá 13.000 USD trong sự ngập ngừng của người đấu. Một bức con giáp vẽ con Tuất của Nguyễn Tư Nghiêm cũng phát giá 8.000 USD, nhưng bán được gấp đôi.

Bất ngờ nhất của phiên đấu, mà chỉ ở những sân đấu giá chuyên nghiệp mới có thể xảy ra, đó là bức phác thảo bột mầu do họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ người vợ tương lai kém mình 36 tuổi, khổ nhỏ (45x50 cm). Các bước giá liên tục vượt qua, cho đến mức giá 41.000 USD.

Chuyện thật giả - bao giờ thoát?

Chuyện thật giả và trộm, nhái bản quyền mỹ thuật ở Việt Nam, quả thật đã phủ bóng đến hết mức trên nền mỹ thuật. Lần đấu giá này, câu chuyện đó trở lại.

Trước phiên đấu giá, họa sĩ Bùi Thanh Phương, con của danh họa Bùi Xuân Phái đã tuyên bố bức “Phố cũ” được đưa ra lần này “có thể khẳng định, đó là bức tranh chép lại tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái”. Nhưng khi chúng tôi hỏi thêm về căn cứ của tuyên bố này và bức tranh gốc hiện tại ở đâu, thì ông Phương cũng trả lời khá mơ hồ bằng những câu chuyện cũ, mà không có bằng chứng xác thực nào cả.

Ngược lại, họa sĩ Trần Quốc Hùng (một trong những người sáng lập Chọn Auction) tin tưởng nguồn gốc và thẩm định của các chuyên gia ở Bảo tàng Mỹ thuật. Nhà đấu giá đã mời cả ông Bùi Thanh Phương tham gia thẩm định, nhưng ông Phương từ chối. Và trong quá trình chín ngày trưng bày công khai, ông Phương cũng không hề qua xem tận mắt bức tranh này. “Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước dư luận, và pháp luật, cộng cả sự mất còn uy tín dẫn đến sự tồn tại hoặc không tồn tại của chúng tôi. Vậy chúng tôi không đời nào đưa bức tranh ra đấu giá nếu không có những cứ liệu xác thực…”, ông Vũ Tuấn Anh, một sáng lập viên khác của Chọn Auction phát biểu.

Chưa nói đến chuyện có thể xét nghiệm bức tranh bằng các phương tiện khoa học mà ở Việt Nam còn lâu mới có (hoặc nếu muốn, có thể thuê khảo nghiệm ở nước ngoài, nhưng mức giá cho việc này cũng rất cao, có khi còn cao hơn cả tiền tranh), thì ngay cả ở những nhà đấu giá chuyên nghiệp nhất, với các bức tranh của danh họa được nghiên cứu nhiều nhất, vẫn có chuyện thật giả xảy ra. Nhà sưu tập trẻ Phùng Quang Việt vẫn quyết định trả giá 13.000 USD cho bức “Phố cũ” (nhỉnh giá hơn hai phiên bản đã từng được bán tại nước ngoài là 11.443 USD và 12.804 USD). Nhà sưu tập chia sẻ: “Tôi tin vào sự bảo đảm của nhà đấu giá, cũng như nghe lời cảm giác của mình”.

Sao không tìm một con đường dễ dàng nhất, để thoát khỏi cái vực mê thật giả của các họa sĩ đã qua đời, đó là việc sưu tầm, mua bán tranh của các tác giả trẻ đương đại, hoặc tác giả đang còn sống? Trả lời câu hỏi này, họa sĩ Trần Quốc Hùng cho biết, ngoài việc sưu tầm và đấu giá tranh của các tác giả kỳ cựu để đưa ra minh bạch các giao dịch mẫu, nhà đấu giá Chọn cũng sẽ hướng tới đấu giá tranh của các họa sĩ trẻ, họa sĩ còn sống. Đó là phiên giao dịch thường niên vào tháng 9 tới, và từ đó về sau sẽ trở thành phiên đấu giá mặc định như vậy trong các năm về sau. Nhà đấu giá Chọn từng đấu tranh của họa sĩ trẻ Nguyễn Phan Bách với mức giá cao nhất là 25.000 USD…

Chép lại chính mình

Dư luận nghệ thuật gần đây lại sôi lên vì chuyện tranh giả, tranh nhái, mà tệ nhất là nó liên quan trực tiếp đến các họa sĩ còn sống, còn sáng tác, thậm chí rất trẻ.

Nhưng cái “thị trường tranh nhái” những họa sĩ đang còn sống này cũng rất lạ, chỉ tập trung vào trên dưới 10 họa sĩ có tranh bán chạy. Một gallery ở Hà Nội thống kê được con số mỗi bức tranh nhái, chép chỉ trong vài ngày. Có họa sĩ bị chép, nhái tới cả nghìn bức.

Dư luận băn khoăn về cách giải quyết cái “nạn” này, nhưng những câu chuyện đưa ra có vẻ không mới. Lý do đầu tiên là mỗi tác phẩm vẽ ra của họa sĩ đều ít khi đăng ký bản quyền. Đến khi xảy ra vụ việc, không có bằng cớ gì để chứng minh. Lý do thứ hai, luật về bản quyền và các văn bản dưới luật đều có, nhưng hiệu lực thực tế là rất ít. Cũng có vụ việc tranh giả được đưa ra xử lý theo pháp luật, nhưng kết quả cuối cùng thì lại nhẹ tay… Thí dụ, một bức tranh của một họa sĩ Hà Nội bị nhái tại một gallery ở phố Tràng Tiền, ông gọi điện thoại cho cơ quan chức năng đến lập biên bản xử lý, sau đó tự tay rạch nát bức tranh. Chủ gallery bị phạt hành chính 2 triệu đồng. Nhưng nếu gallery đó bán được bức tranh giả đó, thì chí ít giá không dưới 500 USD. Và tác giả dù tự tay rạch bức tranh, nhưng rất có thể chỉ một đến hai ngày sau, lại có thể có một bức y như thế sinh ra…

Thế nhưng có những lý do cực kỳ tế nhị khác trong chuyện tranh nhái, tranh giả mà ít khi người ta nói ra. Gần đây mới chỉ một lý do được một họa sĩ có tranh bán “chạy” trong TP Hồ Chí Minh công khai. Đó là trong những họa sĩ chép và nhái tranh của người khác, có những người là… bạn của “chính chủ”. “Nạn nhân” liệu có nỡ đem bạn ra tố cáo! Thế nhưng câu chuyện này chưa “lạ” bằng việc có những họa sĩ bán tranh chạy cũng… tự chép lại chính mình, hoặc nhái lại chính tranh của mình. Hoặc con cái của các danh họa cũng vẽ, nhái hoặc chép tranh của người thân sinh. Những chuyện đó, trong giới mỹ thuật đều biết. Đến mức này thì Luật Bản quyền nào chạm tới được?