Người nhắc ta đừng quên làm gì đó!

Rất nhiều người yêu mến nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952 - 2021). Đương nhiên, thân thiết cũng chỉ một số nhất định, nhưng nhiều người đã chơi, đã quen, đã gặp, thường có chung niềm quý mến một cách tươi tắn, lạc quan khi nghĩ đến thi sĩ. Thơ của anh, sự hào hứng của anh với mọi người đã đem lại tình cảm đó.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (đeo kính, cầm sách phía trái ảnh) và nhà văn Băng Sơn (đứng gần giữa) cùng thầy trò Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội trong một cuộc giao lưu 20 năm trước.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (đeo kính, cầm sách phía trái ảnh) và nhà văn Băng Sơn (đứng gần giữa) cùng thầy trò Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội trong một cuộc giao lưu 20 năm trước.

1/ Lúc nào anh cũng thể hiện rõ sự nhiệt tình một cách rất tự nhiên khi đứng trước đông người, hay ở giữa một nhóm nhỏ, hoặc ít hơn nữa - khi trao đổi riêng. Lần đầu tiên chúng tôi được gặp anh trong một đêm thơ sinh viên Văn khoa tại Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, 20 năm trước, anh đọc sang sảng, hào hứng và tạo tiết tấu nhanh, chậm, gấp gáp rất linh hoạt trong những bài thơ mà nhiều sinh viên đã biết, đã thích. Thế nên sau này, ngoài chuyện thơ hay thì nghe đi nghe lại nhiều lần anh đọc, vẫn mê.

Tối lạnh và mưa hôm đó, nhóm sinh viên Văn khoa mới bước vào thơ háo hức mời được “Bác sĩ Hoa súng” và người bạn đi cùng tên là Dũng - một người Tây lai sống ở Hà Nội, làm thơ và dường như mang nhiều tâm sự, ra một quán đêm ở hè cổng chợ Thượng Đình “chén tạc chén thù”. Kể vui về những cái “thực” ở đằng sau những câu thơ, anh cũng phấn khích như khi đọc thơ vậy. Như câu “Suốt đời anh mang tội với con tàu”, anh cười, đấy là bởi ngày xưa học sinh toàn trốn vé. Câu “Anh đi qua những thành phố bọc vàng/Những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ”, anh bảo, đấy là trên đường hành quân vào nam, nhìn thấy mẹ con những người ăn xin ngủ ngoài trời…

Tất nhiên, cái thực chung quanh những câu thơ thì vô vàn lắm! Một chi tiết nhớ lâu, vài hình ảnh găm lại, điều gì chợt ập đến…, làm bật lên những câu thơ. Nhưng những điều người thơ hướng đến thì đi xa khỏi cái thực ban đầu ấy. Và lại vượt qua hết những khung cảnh, chuyển động, xúc cảm mà những câu thơ, bài thơ tạo dựng, tất cả vút lên một tinh thần. Trẻ trung, khí thế của thanh xuân, vượt qua khổ sở, tủi hờn, hướng đến tươi sáng, mở ra tìm gặp, kề cận và thân mến…, tinh thần đó trong nhiều sáng tác của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã dựng nên một “tượng đài trẻ”. Cả nhiều những bài thơ mà anh không viết về tuổi hoa niên, về những năm tháng học trò, sinh viên nhiều thổn thức, những bài anh nói về đớn đau, xa xót, trong đó có nỗi đời, có gia đình, bằng hữu, thì cái mạch chảy trong những câu thơ thường vẫn sôi nổi, như ta luôn thấy một người trong cuộc, nhập cuộc.

2/Anh Cầm đến! Nhiều năm sau, khi đã quen biết anh, khi trong một nhóm gặp nhau, ai nói như vậy là chúng tôi có xu hướng “chuyển trạng thái”, như là mỗi người tự chuẩn bị mình. Hoặc nhớ dần một bài thơ để đến lượt mình sẽ đọc. Vì anh ngồi giữa mọi người thì sẽ gợi hứng để đọc thơ cho nhau nghe. Ai mang đàn ghi-ta cũng sẽ có một “tư thế” sẵn sàng. Ai sẽ hát, cũng vậy. Hoặc là sẽ có một cái ý gì đó để lát nữa hỏi anh. Vì anh đến sẽ nói rất nhiều về các chuyện, là sáng tác, là viết kịch bản phim, là chuẩn bị cho một kế hoạch, chương trình sắp tới, hoặc sắp gặp ai để bàn việc. Hỏi anh cho vui, vì anh nói rất “sôi” về nghề, về việc văn nghệ. Có điều rất đáng lưu ý, là rất ít khi thấy anh nói về “ngày xưa”, mà thường tập trung vào những cái đang và sẽ. Ngay cả khi nhân câu chuyện, nhắc lại chi tiết, sự việc cũ xa nào đó, thì người nói cũng kể đầy hào hứng và sống động như là vừa mới đây thôi.

Anh Cầm đến làm không khí rộn ràng thêm lên như thế. Anh gầy, nhỏ, da nâu, áo sơ-mi cũ, càng sau anh càng “già” hơn trông thấy với chiếc áo phao xanh sùm sụp mùa lạnh, khiến chúng tôi ngạc nhiên về sự “hao” đi của anh. Ngạc nhiên là bởi thường không mấy khi có cảm giác ấy, dù anh cũng đã sáu mấy, rồi đã dần dần tiến đến gần bảy mươi rồi còn gì, nhưng sự sôi nổi và “từ trường” nóng hổi mà con người nhỏ bé ấy tạo ra khiến chúng tôi không nhớ rằng anh đã hết tuổi trung niên từ lâu.

Và cũng, dù hết trung niên từ lâu, với những bạn viết trẻ ở độ tuổi con cháu anh được, anh vẫn chào hỏi, trò chuyện rất lịch sự, tôn trọng và thân tình, khích lệ khi thấy có sáng tác tốt. Anh khiến nhiều người trẻ chúng tôi có quen biết anh, có người thân thiết, gặp làm việc với anh thường xuyên, có người thưa hơn, hoặc ít tiếp xúc, khi nói chuyện gì đó, vẫn nhắc đến anh một cách vui vẻ, phấn khích. 

Bây giờ, anh đã trở nên chỗ trống trong nhiều người. Có cảm giác như không kịp nói gì với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng chính là anh đã dặn dò rồi, bằng những tháng ngày anh đã ở bên mọi người. Rằng hãy sống, hãy làm gì đó, cho hết mình, hết lòng, hết sức!