Di cảo - hồi ký chung của “người Tây Tiến”

Di cảo - hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng lần đầu tiên được công bố từ sau khi được viết xong năm 1952. Trong đó, tác giả viết: “Tác giả chỉ hoài bão là người đọc sẽ thêm yêu quãng thời gian hoạt động của đơn vị ấy giữa những người dân giản dị…”.

Bà Bùi Phương Thảo (trái), con gái nhà thơ Quang Dũng tặng tập hồi ký mới xuất bản cho ông Nguyễn Văn Khuông, cố vấn Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến.
Bà Bùi Phương Thảo (trái), con gái nhà thơ Quang Dũng tặng tập hồi ký mới xuất bản cho ông Nguyễn Văn Khuông, cố vấn Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tây Tiến.

Bức tranh hữu nghị quân - dân, Việt - Lào

Xuân 1948, nhà thơ Quang Dũng viết bài thơ “Tây Tiến” theo dòng cảm hứng mãnh liệt của một người lính trực tiếp tham gia Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt. Ông viết rất nhanh để kịp đọc trong Đại hội toàn quân của Liên khu III tại thôn Phù Lưu Chanh (nay thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam).

Tuy nhiên, kỷ niệm và cảm xúc về “những ngày Tây Tiến” vẫn khắc khoải trong tâm trí nhà thơ. Bởi vậy, vào năm 1952 ở Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), ông đã hoàn thành tập hồi ký. Theo bà Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ, bản thảo được gia đình lưu giữ, đã đôi lần muốn công bố nhưng chưa thực hiện được. May mắn là sau từng ấy năm, những câu chữ và nét vẽ minh họa của tập bản thảo vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đây có thể coi là di cảo chung đầu tiên mang ý nghĩa rất lớn đối với các thành viên còn lại của Trung đoàn 52 Tây Tiến, và có lẽ với cả nhiều cựu chiến binh khác.

Tập hồi ký thuật lại những ngày đầu thành lập Đoàn Võ trang Tuyên truyền với hạt nhân là một số chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Tác phẩm cũng cho độc giả biết về nhiệm vụ của đoàn là đi tới những bản, những chòm, những mường của khu vực quân ta hoạt động để tuyên truyền chính sách đoàn kết của Chính phủ, ý chí kháng chiến của dân tộc, tinh thần của quân đội Việt Nam. Tập hồi ký đã xây dựng những bức tranh chân thực về tình cảm gắn bó giữa bộ đội ta và bộ đội Lào thông qua hình ảnh Trung đội Pa Thét Lào được cử tham gia vào Đoàn Võ trang Tuyên truyền. Tây Tiến là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, lập những chiến công vang dội, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương.

Còn nóng ấm ngọn lửa Tây Tiến

Trong cuốn sách này, nhà thơ không quên dành lời tri ân cho những người bạn chiến đấu của Trung đoàn 52 Tây Tiến và ôn lại “những kỷ niệm chiến đấu lúc ban đầu, gian khổ nhưng vui vui…”. Chia sẻ với Thời Nay, con gái nhà thơ Quang Dũng tâm sự: “Công bố tập hồi ký này, mong mỏi của gia đình là cuốn sách sẽ được phát hành nhiều hơn nữa để đến tay nhiều độc giả hơn ở nhiều địa phương, đặc biệt là những địa danh từng in dấu chân của đoàn binh Tây Tiến. Qua đó, những người còn lại của đơn vị ấy, cùng chính quyền và người dân địa phương đó có thể hiểu hơn về những mất mát, hy sinh và đóng góp của những người chiến sĩ năm xưa. Gia đình cũng dự định trao tặng bản gốc cho Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vì tập hồi ký không còn là tài sản riêng mà đã trở thành kỷ vật chung, ra đời trong những tháng ngày gian khổ sơ khai của quân đội Việt Nam”.

Hôm nay, mặc dù gần 40 cựu chiến binh còn lại của binh đoàn năm xưa đều đã ở tuổi “gần đất xa trời”, nhưng “ngọn lửa” của tinh thần “Tây Tiến” chưa bao giờ nguội lạnh. Tinh thần đó đã tiếp tục được kế thừa và phát huy khi những thế hệ kế cận sáng tạo mô hình “Ban liên lạc (BLL) con em Tây Tiến”, hoàn toàn tự nguyện thực hiện nhiều hoạt động nhằm duy trì tinh thần yêu nước của người lính Tây Tiến, nhấn mạnh hai mục tiêu chính là công tác tri ân và khuyến học. Theo đó, các thành viên trong BLL hằng năm đều đến dâng hương, tri ân liệt sĩ Tây Tiến tại các nghĩa trang và thăm hỏi các cựu chiến binh Tây Tiến đã cao tuổi ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Mộc Châu…

Ngoài ra, một số trường học ở những nơi đoàn binh Tây Tiến từng hoạt động, BLL thường xuyên có hỗ trợ như tặng máy phát điện, sách giáo khoa, áo ấm… cho trường tiểu học Tây Tiến ở bản Sài Khao (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), trao tận tay 2.000 đầu sách và hệ thống thư viện điện tử cho Trường tiểu học Tây Tiến ở xã Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) - nơi an nghỉ của gần 200 liệt sĩ binh đoàn Tây Tiến, tặng sách cho thư viện Trường Tây Tiến ở Mộc Châu (Sơn La)… Bà Phương Thảo khẳng định: “BLL con em Tây Tiến cho rằng, những hoạt động hỗ trợ không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà quan trọng hơn cần đem lại giá trị lâu bền, đưa ánh sáng tri thức tới cho các em học sinh tại những địa phương miền núi khó khăn trên. Chỉ có như thế mới thể hiện được lòng biết ơn và tinh thần tri ân đối với nhân dân các địa phương từng bao bọc, cưu mang người lính Tây Tiến trong những ngày khói lửa và gian khổ”.