Ngược bến sông mơ, tôi gặp...

Thơ là người. Về con người Phan Huy, đã có những dòng lý lịch trích ngang in trong quyển sách này - tập thơ “Ngược bến sông mơ”, NXB Hội Nhà văn 2020.

Ngược bến sông mơ, tôi gặp...

Đó là lý lịch hành chính, còn lý lịch tâm hồn cũng có ở đây, trong bài “Tự bạch”: “Mười năm bom đạn chiến tranh/bước qua chết chóc nhẹ tênh nẻo đường//Ba lô sạch bụi chiến trường/bon chen gửi lại trả phường bon chen/nhớ câu gần mực thì đen/ta đi tìm kiếm ngọn đèn nhân gian”.

Làm thơ là kiếp giời đày. Muốn xa nó, bỏ nó cũng không được. Phan Huy tự thú: “Một đời dan díu với thơ/Âm thầm vượt bến sông mơ gập ghềnh”. Ông sống để làm báo, làm nhà làm cửa, dựng nghiệp cho con cháu hay để dan díu với thơ, để ngược xuôi tìm một bến mơ, sông mơ nào đó? Với tôi và có lẽ với cả chính Phan Huy nữa, câu này không dễ trả lời!

Phan Huy viết nhiều lục bát. Điều ấy dễ hiểu vì câu ca lục bát trong lời ru, câu lục bát trong “Kiều”, trong “Hoa Tiên”, trong các truyện Nôm khuyết danh đã ngấm vào ông từ nhỏ và trên con đường đi tìm hồn nước trong suốt cả cuộc đời. Và lục bát của ông, nhiều câu phảng phất khí vị của ca dao, của “Kiều”. Chẳng hạn: “Ngóng trông ắp những chuyến đò/nhớ nhung chấp chới cánh cò phân vân//Người về vội vã bước chân/càng nhanh sum họp càng gần tiễn đưa” (Bóng xuân), hay: “Áo tơi nón lá nâu sồng/khom lưng gánh cả cánh đồng Mồ Côi” (Giỗ mẹ ở cao nguyên).

Ở “Ngược bến sông mơ” của Phan Huy, ta cũng thấy có những câu từa tựa Thơ Mới, đặt vào Phong trào Thơ Mới 1932 - 1945 sẽ là những câu hay, như: “Rồi tất cả sẽ vào dĩ vãng/bụi thời gian che phủ lối anh qua/đường em đi đầy mộng với hoa/nhớ chi nữa chuyện tình cờ hôm ấy” (Em và thơ).

Các nhà thơ Đường có nhiều thủ pháp rất cao diệu. Trong đó có thủ pháp dùng địa danh như một tính từ. Không những dùng địa danh để tạo nghĩa, việc nhắc đi nhắc lại tên đất, tên danh thắng, làm cho người ta yêu Tổ quốc hơn. Trong bài “Đà Lạt”, Phan Huy đã khéo dùng thủ pháp này, chứng tỏ tay nghề thơ của ông đã ở một bậc cao: “Se se chút lạnh mùa đông/heo may vừa đủ cánh hồng ráo sương//Mây bay vừa đủ vấn vương/đèo cao Ngoạn Mục con đường lãng du// Mộng Mơ Đà Lạt sương mù//mùa xuân buổi sáng mùa thu buổi chiều//Đắm say Thung lũng Tình yêu/em đừng Than Thở anh nhiều đam mê”...

Đọc Phan Huy, ở từng bài thơ, tôi nhận ra ông khi là người miền bắc, khi là người miền trung, khi là người Nam Bộ. Nhưng có khi ba bốn con người ấy hòa lẫn vào nhau, không thể phân biệt được, dù địa danh thì cụ thể mà nhân cảm thì bao gồm: “gặp nhau trên bảy ngã sông/bâng khuâng muốn hẹn mà không nên lời…/đò từ Ngã Bảy đò xuôi/cơn mưa mùa hạ tạnh rồi lại… mưa”.

Là nhà báo, Phan Huy có điều kiện để có nhiều bài thơ thế sự. Thí dụ trong tập này là “Cát và pha lê”, “Tình yêu và pho tượng cổ”, “Tắm”, “Độc tố”, “Làng”... Người làm thơ thế sự là người có trách nhiệm với xã hội… Cổ thi có câu: “Thế gian vạn sự giai bào ảnh/Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình”, nghĩa là “Thế gian vạn sự đều hư ảnh/Muôn kiếp còn đây một chữ tình”. Thơ Phan Huy, người Phan Huy lấp lánh ánh sáng của một chữ tình.