Hướng về cái thiện

“Không cần phải bắt” (NXB Hội nhà văn) của nhà thơ Trí Nhân, gồm truyện và ký, được chọn lọc từ các báo, tạp chí đã in lâu nay của tác giả. Giọng văn, mộc mạc, chân tình, như người già kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe, đầy ắp nhân văn tình người, tình yêu quê hương, đất nước.

Hướng về cái thiện

Trong sách, có chín chuyện về thời chiến tranh, 12 chuyện về thời bình. Có những chuyện đậm chất bi tráng như chuyện “Chị Hạnh”. Ở trên rừng, chị Hạnh trẻ trung, xinh đẹp, làm nhiệm vụ vừa may quân trang, vừa làm cấp dưỡng cho cơ quan Huyện ủy 301. Thời ấy khó khăn, cả huyện ủy chỉ có một cái máy may nhưng nhu cầu nhiều, chị phải may ngày, may thâu đêm cho kịp để bộ đội ta mặc. Những lúc mệt mỏi, chị ra rừng hái rau, lấy nước, nấu ăn. Chị còn theo đội công tác về làng mang lương thực, thực phẩm lên cho cơ quan. Một lần, không may rơi vào ổ phục kích định, chị bị thương nặng, bị địch bắt, đưa đi bệnh viện, nhằm sau này để tra tấn lấy lời khai. Song trên đường đi, để bảo đảm cho cơ sở cách mạng, chị đã tự vẫn.

Đặc biệt, có những chuyện lạ lẫm, ly kỳ ở trên núi rừng như “Chuyện lạ Trường Sơn”. Liên là một cô gái trẻ, mới học xong cấp hai đã tình nguyện đi B và được bố trí vào một đơn vị nữ có nhiệm vụ bảo vệ, sửa chữa một tuyến trên con đường Hồ Chí Minh. Vì nhỏ con, lại yếu, không thể đi đào đường, lấp đường nên cô được phân công giữ rẫy, coi kho. Cô huấn luyện, nuôi một con khỉ, luôn quanh quẩn bên cô như bạn thân. Không may, cô bị pháo kích hy sinh, ngày ngày, con vật nằm bên mộ cô chủ cho đến chết.

Hoặc chuyện “Cọp Chiến”. Y Nóc là người dân tộc Ê Đê, một cán bộ giao liên của cơ quan huyện ủy trong những năm chống Mỹ. Vào một đêm mùa đông, trên đường từ trại giao liên tỉnh về, trời mưa tầm tã, anh không qua suối được nên trú vào gộp đá. Sáng dậy, anh bất ngờ gặp một con cọp bị trúng mảnh pháo, nằm bên cạnh là một chú cọp con đang ngậm vú mẹ. Anh mang chú cọp con về nuôi, đặt tên là Chiến. Chiến còn nhỏ như mèo tam thể, hằng ngày, anh phải chăm sóc như em bé: cho uống sữa, ăn cháo. Lớn lên, anh cho ăn khoai, sắn, cơm, bắp hầm, cá hộp, thịt chín chứ không thịt sống. Anh huấn luyện Chiến giữ rẫy, coi kho, không con vật nào dám vào trại. Vào mùa hè năm 1967, bọn lính đánh thuê càn quét chiến khu Đá Bàn. Khi thấy con vật, bọn địch phục kích liền nổ súng. Chú Chiến trúng đạn, theo quán tính trước khi chết nó nhảy tới tiến công, quật chết mấy tên địch, làm cho đám lính một trận kinh hoàng. Qua chuyện, người đọc có cảm giác thiên nhiên, núi rừng gần gũi, những con vật hung dữ trở nên thân thương với con người làm sao.

Nhà thơ Trí Nhân ngoài tuyển tập in chung, đã có riêng ba cuốn sách. Lần này, nhà văn Cao Duy Thảo viết lời tựa cho cuốn sách, nhận xét: “Những câu chuyện của Trí Nhân, dù khúc mắc đến đâu, cuối cùng vẫn luôn hướng đến cái Thiện”.