Áp lực thành tích

Một trong những thông tin đáng chú ý liên quan thời sự bóng đá nước nhà những ngày gần đây là việc trung vệ Đình Trọng tiếp tục tái phát chấn thương và lần thứ ba phải lên bàn mổ. Chẳng cần phải tìm hiểu sâu xa, người ta có thể chỉ ngay ra nguyên nhân khiến chấn thương của Đình Trọng biến chứng là do áp lực về thành tích của bóng đá Việt Nam.

Đình Trọng (21) tái phát chấn thương phải nghỉ đến hết năm 2020. Ảnh: LÊ MINH
Đình Trọng (21) tái phát chấn thương phải nghỉ đến hết năm 2020. Ảnh: LÊ MINH

Theo con số thống kê, có tới 8/11 cầu thủ U23 Việt Nam đá chính ở trận chung kết U23 châu Á năm 2018 bị chấn thương đứt dây chằng với các mức độ khác nhau. Đây là con số khiến bất cứ nhà quản lý bóng đá nào cũng phải giật mình. Đứt dây chằng là loại chấn thương điển hình trong bóng đá khi cầu thủ bị quá tải do cường độ thi đấu vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Cũng theo thống kê về cường độ thi đấu của một số tuyển thủ Việt Nam, có thể thấy Quang Hải chơi 72 trận cho Hà Nội FC và 48 trận cho các đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) trong cùng giai đoạn. Con số tương tự đối với Duy Mạnh, đồng đội của Quang Hải tại Hà Nội FC và ĐTVN là 69 trận và 32 trận. Những con số nói trên thậm chí còn cao hơn cường độ thi đấu của các cầu thủ châu Âu. Thế nên hậu quả là nhãn tiền. Quang Hải ở nửa sau của mùa bóng xuất hiện tình trạng “ngán bóng” và sau đó là dính các chấn thương giống như Duy Mạnh cùng một số cầu thủ Hà Nội FC khoác áo ĐTVN. Trở lại với trường hợp của Đình Trọng, khi mới phẫu thuật dây chằng được bảy tháng (chưa đủ thời gian bình phục hoàn toàn), cầu thủ này đã được HLV Park Hang-seo mạo hiểm tung ra sân ở VCK U23 châu Á 2020. Hậu quả là Đình Trọng tái phát chấn thương với biến chứng nặng hơn.

Áp lực thành tích là câu chuyện mà nền bóng đá nào cũng trải qua, tuy nhiên dưới góc độ quản lý mà nói thì cần phải cân đối lực lượng. Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, việc phát triển tốt lực lượng kế cận chính là giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng cầu thủ đến mức quá tải, góp phần giúp các đội tuyển luôn trong trạng thái “khỏe mạnh” dù mật độ giải đấu có dày đến đâu.