Tìm những mảnh ghép mới

Tính chất phân mảng của nền chính trị Italia lộ rõ hơn sau sự tan rã của liên minh cầm quyền, khiến Thủ tướng Giuseppe Conte từ chức và “chính phủ dân túy” đầu tiên ở Tây Âu sụp đổ sau chưa đầy 14 tháng hoạt động. Với “đất nước hình chiếc ủng”, thách thức không chỉ là gấp rút tìm kiếm những mảnh ghép mới cho một chính phủ liên hiệp, mà còn ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng kép, với kinh tế khó khăn và chính trị bất ổn.

Biếm họa của TOM JANSSEN
Biếm họa của TOM JANSSEN

Chỉ trong một ngày, hôm 22-8, Tổng thống Italia Sergio Mattarella đã có các cuộc thảo luận căng thẳng, lần lượt với các thủ lĩnh của năm đảng phái chính trị chủ chốt tại Italia, song không đạt được thỏa thuận nào. Thất bại trong nỗ lực đầu tiên nhằm dàn xếp một liên minh cầm quyền mới, ông Mattarella buộc phải kéo dài hạn chót cuộc thương lượng thành lập chính phủ đến ngày 27-8 tới.

Vòng xoáy bất ổn chính trị mới tại Italia bắt nguồn từ quyết định của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini và đảng cực hữu Liên đoàn (NL) của ông rút lại sự ủng hộ liên minh cầm quyền với đảng dân túy Phong trào 5 ngôi sao (M5S), đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Conte. Giải thích về quyết định rút đảng khỏi liên minh cầm quyền, ông Salvini viện dẫn những bất đồng với đối tác M5S và hoạt động yếu kém của chính phủ, thậm chí kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, với lý do “con đường đúng đắn luôn là hỏi ý kiến người dân”. Thủ tướng Conte chỉ trích bước đi của thủ lĩnh NL đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng chính trị, giữa lúc có nhiều khó khăn về kinh tế và tài chính. Sau cuộc họp của Thượng viện hôm 20-8, ông Conte từ chức, liên minh mong manh giữa NL và M5S chính thức tan rã.

Chính trường Italia vốn trải qua nhiều rắc rối và chia rẽ sâu sắc. Thực tế, chỉ trong vòng 10 năm qua, Italia có tới sáu đời Thủ tướng, với các chính phủ có “tuổi đời” chỉ được tính bằng tháng. Một phần nguyên nhân khiến Italia mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn này, đó là sự thoái trào của các đảng phái chính trị truyền thống, cùng sự nổi lên của các đảng cực hữu, phong trào dân túy. Phần nữa là tình trạng bế tắc, thậm chí đối đầu giữa các phe phái, khiến các chính sách, sáng kiến của các chính phủ liên tiếp thất bại.

Cuộc khủng hoảng liên minh cầm quyền lần này vì thế không quá khó hiểu. Việc “đường ai nấy đi” từng được cảnh báo không lâu sau khi NL và M5S nhất trí về chính phủ liên hiệp, vốn phải mất gần ba tháng sau cuộc bầu cử hồi tháng 3-2018 mới thành lập được. Dù “bắt tay” cùng điều hành đất nước, song NL và M5S luôn bất đồng về đường lối chính trị và cách thức xây dựng chính sách. Song, ngoài bất đồng hai đảng, cũng có ý kiến nhắc tới “ván bài chính trị” của thủ lĩnh NL. Cùng sự thoái trào của phe truyền thống, phong trào dân túy M5S nổi lên là một lực lượng chính trị được ủng hộ nhiều nhất tại Italia. Tuy nhiên, gần đây, NL bất ngờ gia tăng vị thế, nhất là giành số phiếu cao trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 5. Qua đó, uy tín của NL và thủ lĩnh Salvini cũng gia tăng. Ước tính, tỷ lệ ủng hộ ông Salvini trong một năm qua tăng gấp đôi, lên gần 40%, vốn được xem là “mức trần” trong nền chính trị phân mảng của Italia. Thực tế này làm lu mờ vị thế nhà lãnh đạo trẻ tuổi của M5S là Luigi Di Maio, người cũng giữ ghế Phó Thủ tướng trong chính phủ vừa sụp đổ. Bởi thế, chia tay liên minh cầm quyền, hướng tới một cuộc bầu cử sớm có thể là tính toán của NL phù hợp bối cảnh hiện nay.

Điều đáng lo ngại là, rắc rối chính trường lần này tại Italia xảy ra khi nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đang chật vật chống chọi với rất nhiều khó khăn với tỷ lệ nợ công ở mức 132% GDP, trong khi tăng trưởng vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Càng khó khăn hơn, khi khủng hoảng chính trị trùng thời điểm Italia cần ổn định trước thềm các cuộc đàm phán về ngân sách với Liên hiệp châu Âu (EU). Bất ổn chính trường Italia một lần nữa khiến EU lo ngại.

Cuộc đua tìm những mảnh ghép mới trên chính trường Italia bước vào giai đoạn gay cấn, khi hạn chót thành lập chính phủ đến rất gần, song các kịch bản liên minh vẫn chưa rõ nét. Nếu qua ngày mai (27-8), chưa một liên minh cầm quyền nào lộ diện, đồng nghĩa Italia phải bước vào cuộc bầu cử trước thời hạn, dự kiến tháng 10 tới.