Sóng gió phía trước

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sắp tới được dự báo sẽ rất cam go và nhiều biến động, chủ yếu do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy và cực đoan cánh hữu, cũng như tâm lý hoài nghi châu Âu đang gia tăng. Dù cuộc bầu cử được xem là cơ hội “tái định hình” Liên hiệp châu Âu (EU), song vẫn còn đó nhiều thách thức đang chờ đợi.

Biếm họa của AREND VAN DAM
Biếm họa của AREND VAN DAM

Từ ngày 23 đến 26-5 tới, EU sẽ tiến hành bầu cử để chọn ra 751 đại biểu của EP. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh số lượng người dân đi bầu cử giảm dần qua từng mùa kể từ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1979, và tâm điểm trong cuộc chạy đua năm nay lại đến từ phe phản đối sự hội nhập sâu rộng hơn của EU. Nếu lượng cử tri đi bầu tiếp tục thấp thì có khả năng các đảng dân tộc chủ nghĩa, dân túy, cực đoan cánh hữu… có thể sẽ tạo nên một cú đột phá, trở thành một trong ba nhóm chính trị lớn nhất tại EP.

Có thể nói, chưa bao giờ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy lại đang đặt ra những thách thức lớn đối với sự gắn kết nội khối ở châu Âu như thời điểm hiện tại. Các thành phần dân tộc chủ nghĩa, dân túy cánh hữu, bảo thủ và hoài nghi châu Âu đang hy vọng phá vỡ sự đoàn kết có phần ngày một lỏng lẻo ở “lục địa già”. Thực tế cho thấy, dù vẫn là những khối cử tri lớn nhất, song các nhóm trung hữu và trung tả “thống trị” chính trường châu Âu những năm gần đây dường như đang mất đi vị thế và vai trò của mình. Trong khi đó, nếu các phái cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa trong EP hợp sức thành liên minh mới, điều này có thể tác động tới định hướng lập pháp và hoạt động chung của EU, và nguy cơ EU bị chống phá ngay từ bên trong sẽ là một vấn đề không thể xem thường.

Hiện các đảng dân túy và hoài nghi châu Âu đã trỗi dậy ở nhiều nước thuộc EU. Tại Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen, vốn nắm 14/74 ghế nghị sĩ châu Âu, vẫn duy trì quan điểm cứng rắn về chống nhập cư. Hai đảng cánh hữu hoài nghi châu Âu là đảng “Những người yêu nước” và đảng “Nước Pháp đứng lên”, cùng đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” (chiếm năm ghế trong EP) đang thúc đẩy Pháp rời EU. Trong khi đó, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có quan điểm chống châu Âu và nhập cư, dù chỉ chiếm một ghế trong EP, song không loại trừ khả năng sẽ chiếm thêm ghế sau cuộc bầu cử lần này.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cũng được ghi nhận tại Italia khi liên minh cầm quyền của Italia gồm đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn chống nhập cư đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2018, với cương lĩnh tranh cử tập trung vào vấn đề chống nhập cư và chống châu Âu. Hai đảng này chiếm tới 17 ghế tại EP và có thể còn tăng lên sau cuộc bầu cử tới, do tâm lý mất đoàn kết trong EU ngày càng gia tăng. Ngoài những nước trên, chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa, dân túy cánh hữu, bảo thủ và hoài nghi châu Âu cũng đang len lỏi trong nghị trường các nước châu Âu khác như Hà Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Thụy Điển.

Vấn đề Anh rời EU (Brexit) cũng sẽ ảnh hưởng một phần tới cuộc bầu cử của EP. Kết quả các đợt thăm dò dư luận trước thềm vòng bầu cử cho thấy, với việc Anh dự đoán sẽ tham gia cuộc bầu cử do tiến trình Brexit bị hoãn lại, tỷ lệ ghế các đảng hoài nghi châu Âu chiếm giữ cũng sẽ tăng vọt từ 10% hiện nay lên 14,3%. Một số kết quả thăm dò khác còn cho thấy đảng Brexit của ông Nigel Farage, một đảng chính trị mới thành lập ở Anh, có lập trường ủng hộ London rời EU mà không cần thỏa thuận (Brexit cứng), sẽ giành nhiều ghế nhất trong số các đảng của Anh tại EP, khoảng 29/73 ghế.

Sự trỗi dậy của các đảng dân tộc chủ nghĩa, dân túy, cực đoan cánh hữu… khiến các đảng chính trị truyền thống của châu Âu phải đối mặt áp lực lớn về một sự thay đổi toàn diện trong chính sách phát triển và hội nhập. Giới quan sát cho rằng, hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo EU cần thể hiện rõ vai trò tăng cường sự đoàn kết nội khối nhằm giải quyết các thách thức hiện nay và trong tương lai.