Nền tảng hợp tác mới

Ngày 23-10, Hội nghị cấp cao Nga - châu Phi đã khai mạc tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi của Nga. Trong bối cảnh nhiều cường quốc trên thế giới đang có động thái “xoay trục” về “lục địa đen”, hội nghị lần này được xem là cơ hội để Nga và châu Phi thiết lập nền tảng hợp tác mới.

Tổng thống Nga Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa bên lề hội nghị BRICS năm 2018. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Nga Putin (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa bên lề hội nghị BRICS năm 2018. Ảnh: REUTERS

Trả lời báo giới trước thềm sự kiện tại Sochi, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, Hội nghị cấp cao Nga - châu Phi là “sự kiện cột mốc và chưa từng có tiền lệ”, bởi đây là hội nghị cấp cao toàn thể đầu tiên có sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Phi và lãnh đạo những tổ chức hàng đầu khu vực. Theo ông Putin, ý tưởng về hội nghị này đã có từ lâu, nhưng cần nhiều thời gian và công tác chuẩn bị kỹ lưỡng để hội nghị trở thành xuất phát điểm xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng trên cơ sở cùng có lợi.

Hội nghị cấp cao Nga - châu Phi đánh dấu sự trở lại của Nga ở “lục địa đen”, trong bối cảnh Trung Quốc, Mỹ và các nước lớn khác đã và đang tăng cường hiện diện tại châu lục này trong nhiều năm qua. Đây cũng là cơ hội lớn để Nga và châu Phi tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự, chính trị bền vững và bảo đảm phát huy tối đa lợi ích cho hai bên.

Hiện nay, không chỉ các nước phương Tây, Mỹ, Trung Quốc tăng cường phát triển các mối quan hệ với châu Phi, mà cả Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia vùng Vịnh Persia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Brazil cũng đặc biệt quan tâm các cơ hội hợp tác với “lục địa đen”, do châu lục này có những nguồn tài nguyên lớn, sức hấp dẫn tiềm năng về kinh tế. Trong bối cảnh đó, Nga cũng không muốn chậm chân trong cuộc đua này, đặc biệt khi quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Moscow và châu Phi đang gia tăng so trước đây.

Hiện nay, nền tảng quan hệ Nga - châu Phi chuyển từ chính trị sang hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh, quân sự. Đặc biệt, từ năm 2014, khi phải đối mặt các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Nga quyết định xây dựng các liên kết mới trên toàn thế giới, trong đó châu Phi đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Moscow với các cấp độ khác nhau. Thông qua những cơ chế hợp tác đa phương như BRICS (nhóm 5 nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hay Liên minh châu Phi (AU), quan hệ giữa Nga và châu Phi liên tục phát triển không chỉ về chính trị - ngoại giao mà còn cả kinh tế - thương mại.

Theo các chuyên gia, ước tính đến hết năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và châu Phi sẽ đạt 25 tỷ USD và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỷ USD vào năm 2023. Nga đang đề xuất các dự án xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên châu Phi. Moscow cũng tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nắm giữ các khoản đầu tư quan trọng trong lĩnh vực dầu, khí đốt và hạt nhân. Về tài chính, Nga đã hợp tác với một số ngân hàng của châu Phi nhằm thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp hai bên.

Một lĩnh vực khác cũng đang được các nhà lãnh đạo Nga và châu Phi đặc biệt quan tâm là hợp tác quân sự. Nga đã bắt đầu các chương trình hỗ trợ về an ninh, quân sự nhằm giúp chính quyền của những nước đối tác ở châu Phi chống lại các nhóm cực đoan, khủng bố. Trong bốn năm qua, Nga đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với các đối tác châu Phi và xu hướng đó đang gia tăng. Hiện một số nước châu Phi ưu tiên mua sắm các thiết bị quân sự và vũ khí của Nga. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của châu Phi.

Không phải ngẫu nhiên Hội nghị cấp cao Nga - châu Phi lần này được giới phân tích đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hai bên. Việc Nga tăng cường hợp tác nhiều mặt với châu Phi sẽ mở ra triển vọng phát triển đối với các nền kinh tế châu lục, qua đó đối phó hiệu quả hơn với sự trừng phạt, cấm vận của Mỹ và phương Tây. Ở chiều ngược lại, kinh tế của “lục địa đen” sẽ phát triển mạnh mẽ thông qua các hợp đồng kinh tế và dòng vốn đầu tư của Nga. Từ đó, các nước châu Phi có thể tranh thủ nguồn lực để cải thiện và phát triển nền kinh tế quốc gia.