Bước chuyển chiến lược

Chính phủ Đức vừa công bố chiến lược mới đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, bước điều chuyển chiến lược của Berlin cho thấy rõ mục tiêu can dự mạnh mẽ hơn, đóng góp kiến tạo một khu vực hòa bình, hợp tác bình đẳng và dựa trên luật lệ. 

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Với tên gọi “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, chiến lược mới của Berlin nêu rõ, trong thế kỷ 21, các lực lượng kinh tế và chính trị dịch chuyển mạnh mẽ về khu vực địa - chính trị quan trọng này, nơi có ba nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và tập trung tới hai phần ba số “siêu đô thị” của thế giới. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đức, chiến lược mới vạch định hướng chính sách nhằm nêu bật lợi ích, nguyên tắc, sáng kiến, hành động chính trị và đưa ra các đề xuất hợp tác.

Chính phủ Đức khẳng định, với chiến lược mới, Berlin muốn tăng cường hợp tác với khu vực, nhất là về chống biến đổi khí hậu, thương mại, kết nối, số hóa và an ninh; định hình một trật tự dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, không phụ thuộc lực lượng đơn lẻ nào. Trên cơ sở hình thành khung chính sách, cách tiếp cận mới với nhiều giải pháp chính trị và hình thành mạng lưới các điểm kết nối hợp tác trong khu vực, Đức chủ trương đa dạng hóa quan hệ, trong đó đẩy mạnh hợp tác với các nước ASEAN, Australia và Ấn Độ thông qua việc ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. 

Thương mại quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Đức, sự thịnh vượng của Đức phụ thuộc tự do thương mại và tự do hàng hải quốc tế, phần lớn là các tuyến đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì thế, lợi ích kinh tế của Đức ở khu vực này là rất lớn và việc mở rộng quan hệ đối tác cũng giúp Đức đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc một vài đối tác. Quan hệ với Trung Quốc không được đề cập trực diện, song mục tiêu nổi bật của chiến lược là “đa dạng hóa quan hệ đối tác” cho thấy Berlin muốn giảm mạnh sự lệ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thực tế, quan hệ đối tác Đức - Trung Quốc gần đây giảm sút, Berlin luôn thúc giục Bắc Kinh thực thi các cam kết hợp tác, nhất là về thương mại và chống biến đổi khí hậu. Việc Berlin công bố chiến lược mới ngay sau chuyến thăm châu Âu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phần nào phản ánh cách tiếp cận mới của Đức.

Trong khi đó, Đức hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu (EU), nên thuận lợi hơn trong việc định hướng chính sách của khối phù hợp và gắn với cách tiếp cận và lợi ích của Đức. Là thành viên EU thứ hai, sau Pháp, điều chỉnh chiến lược với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, song trong vai trò điều hành, dẫn dắt EU, Đức có thể ảnh hưởng tới định hướng chính sách của khối tới đây. Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại trỗi dậy, làm suy yếu các cơ chế đa phương, lại đang vướng câu chuyện Brexit của nước Anh, EU càng có động lực để củng cố đoàn kết nội khối, mở rộng các quan hệ đối tác quốc tế. Và đây là điều kiện thuận lợi để Đức thúc đẩy điều chỉnh chiến lược của EU.

Như Berlin khẳng định, động lực của Đức và EU can dự tích cực vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xuất phát từ đòi hỏi cấp bách về tăng cường cấu trúc hợp tác quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương. Đó là điểm khác biệt cốt lõi trong chiến lược của Đức, so chiến lược của Mỹ, vốn đặt mục tiêu tìm kiếm, kết nối đồng minh nhằm kiềm chế đối thủ.