Truyền thống kết nối của người Lào

Theo truyền thống của người dân Lào, niềm hạnh phúc của mỗi người trong các sự kiện trọng đại là được tề tựu cùng gia đình và bạn bè trong buổi lễ cầu phúc “Baci”. Trong những dịp như ngày tốt nghiệp đại học, lễ đính hôn, tiệc mừng nhà mới và đặc biệt khi ốm đau..., người Lào đều tổ chức Baci để bày tỏ sự đoàn kết, tương thân tương ái trong gia đình và cộng đồng. 

Lễ hội Baci ở Lào. Ảnh: KLOOK
Lễ hội Baci ở Lào. Ảnh: KLOOK

Buổi lễ Baci đặc trưng có nguồn gốc giao thoa giữa Phật giáo, đạo Bà-la-môn và thuyết vật linh, tới nay vẫn đóng vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, văn hóa ở “đất nước triệu voi”. Người Lào tin rằng, con người có nhiều linh hồn (còn gọi là “khuan”) cùng tồn tại trong cơ thể và đó là những tinh chất quan trọng giữ cho mỗi người khỏe mạnh. Số lượng linh hồn khác nhau tùy thuộc vào nhóm dân tộc khác nhau của Lào và con số này có thể lên tới 32. Không chỉ là một nghi lễ chúc phúc, người Lào quan niệm việc sức khỏe suy giảm cũng do các linh hồn trong cơ thể bị thất lạc, phát tán nên họ cần lễ Baci hay “su khuan” (tạm dịch là “gọi hồn”) để triệu hồi.

Về cơ bản, nghi lễ Baci là cách người Lào thiết lập lại sự cân bằng trong cơ thể, như một biện pháp phòng ngừa bệnh tật cũng như cầu chúc may mắn. Lễ thường diễn ra trong nhà gia chủ cần chúc phúc và do một già làng chủ trì. Ở giữa phòng, các thành viên trong gia đình đặt một bông hoa làm bằng lá chuối và cúc vạn thọ, trên đó gắn những sợi dây bông trắng. Khi buổi lễ bắt đầu, người cao tuổi kêu gọi trở lại những linh hồn đã thất lạc bằng cách tụng những lời kinh và cầu chúc sức khỏe, may mắn. Sau đó, những người tham gia thay phiên nhau cầu chúc cho người thân khỏe mạnh và buộc các sợi dây bông quanh cổ tay của họ để giữ lại linh hồn mới trở về. Những sợi dây bông đại diện mối liên hệ giữa người gặp biến cố, khó khăn trong cuộc sống và người gửi những lời chúc tốt đẹp. Sợi dây sẽ được mọi người giữ đeo trong ba ngày để bày tỏ sự gắn kết mối quan hệ.

Bà Elizabeth Elliott, một nhà nhân chủng học nghiên cứu các truyền thống chữa bệnh ở vùng phía nam Lào tại Đại học London (Anh) cho rằng: “Nghi lễ Baci có lẽ là đại diện hữu hình nhất cho sự an lành và sức khỏe ở Lào. Nó có ý nghĩa rộng hơn một nghi lễ cầu chúc sức khỏe thuần túy. Buổi lễ làm gia tăng tình cảm hạnh phúc, gắn kết tinh thần và đoàn kết xã hội, làm mọi người xích lại gần nhau”. Trong khi đó, nhà dân tộc học Marie-Pierre Lissoir, người đang phụ trách một cuộc triển lãm về sự tương tác giữa con người và linh hồn tại Trung tâm Nghệ thuật và Dân tộc học Truyền thống (TAEC) ở Luang Prabang (Lào) phân tích: “Đối với người Lào, việc sống cô lập đi ngược với phong tục cộng đồng của địa phương, nơi mọi người đều có vai trò riêng và gia đình, hàng xóm luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn gặp khó khăn”. 

Vai trò của lễ Baci đặc biệt rõ rệt đối với những cộng đồng ở  vùng sâu, vùng xa. Ông Giulio Ongaro, TS ngành Nhân chủng học tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (Anh), người nhiều năm nghiên cứu hệ thống y tế của người Akha sống ở vùng cao nguyên tây bắc của Lào, cho rằng lý do chính khiến buổi lễ Baci vẫn phổ biến là bởi nó giải quyết một khía cạnh an sinh mà y học hiện đại ít đề cập: “Nếu y học hiện đại tập trung vào các biện pháp hiệu quả chống lại các căn bệnh trong cơ thể hữu cơ, thì những buổi lễ Baci là “liều thuốc” quan trọng cho tinh thần, tâm lý”. 

Ngày nay, người dân ở hầu hết các cộng đồng Lào đều sử dụng kết hợp các phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống và hiện đại. Theo TS Lissoir, nếu ai đó trong gia đình bị ốm, người thân có thể vừa làm lễ Baci và đưa đến bệnh viện. Bỏ qua các yếu tố tín ngưỡng, buổi lễ mang một mục đích thiết thực, cụ thể là mở rộng trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh cho cả gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, lễ Baci đang dần trở thành hoạt động văn hóa đặc trưng, thu hút khách du lịch quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa cộng đồng và tinh thần đoàn kết của Lào.