Lễ cưới truyền thống của người Kazakhstan

Giống các nước khác trên thế giới, đám cưới ở Kazakhstan là một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Lễ cưới truyền thống của người Kazakhstan mang những nét văn hóa đặc sắc, với nhiều nghi lễ tôn giáo và quy tắc cần tuân theo. 

Cô dâu rạng rỡ trong ngày cưới. Ảnh: TOIBIZNES.KZ
Cô dâu rạng rỡ trong ngày cưới. Ảnh: TOIBIZNES.KZ

Theo thời gian, đã có nhiều thay đổi trong cách thức tổ chức hôn lễ ở Kazakhstan. Theo trang thông tin về du lịch Trung Á Advantour.com, nếu như trước đây, những việc như tảo hôn hay bắt dâu… thường xuyên xảy ra thì ngày nay, những hủ tục này đã bị xóa bỏ, bởi chúng đi ngược các nguyên tắc đạo đức và pháp luật hiện đại. Một trong những quy định quan trọng nhất vẫn được người Kazakhstan tuân thủ cho đến tận ngày nay, đó là quy ước “Adat” về việc cấm kết hôn giữa những người cùng họ trong vòng bảy thế hệ liên tiếp. Ngoài ra, cô dâu không được lớn hơn chú rể quá tám tuổi và chú rể không được hơn cô dâu quá 25 tuổi.

Ở Kazakhstan, cha mẹ chú rể bắt đầu cuộc tìm kiếm con dâu tương lai ngay từ rất sớm, trước khi con trai đến tuổi kết hôn. Họ đi khắp các khu làng, tìm hiểu những gia đình có hoàn cảnh phù hợp và đề nghị kết thông gia với cha mẹ của cô gái nào mà họ cảm thấy ưng ý nhất. Bên cạnh đó, còn có đính ước giữa những người bạn thân, gọi là “bel kuda”. Trong đó, họ thỏa thuận để con cái của mình sau này sẽ kết hôn với nhau.

Trước kia, việc mai mối diễn ra khá phức tạp với nhiều giai đoạn. Đầu tiên, ông hoặc bà mai sẽ đến gặp gia đình cô dâu để tỏ lời đề nghị về hôn lễ. Nếu được đồng ý, người mai mối phải tặng cho cha cô dâu một con ngựa đực và cha cô dâu sẽ khoác lên người mai mối một chiếc áo lễ “chapan”. Tiếp theo, cha chú rể đến gặp cha của cô dâu để tổ chức lễ mai mối “kuda tusu”. Hai bên coi như đã “ký kết” một hợp đồng cưới hỏi, bên nào hủy hôn sẽ phải trả một khoản bồi thường. Ở giai đoạn sau cùng, hai bên sẽ thảo luận tất cả chi tiết về đám cưới như thời gian, các khoản chi phí, của hồi môn… Xong việc, nhà trai sẽ tặng nhà gái một món quà là trâu, bò hoặc ngựa. Nhà nghèo thì tặng từ 5 - 6 con, nhà giàu có thể tặng một đàn có khi đến cả trăm con ngựa.

Mai mối xong xuôi, chú rể phải tặng gia đình vợ chưa cưới một món quà để thể hiện sự tôn trọng. Sau đó, chú rể được phép gặp cô dâu tương lai, nhưng phải đi một cách bí mật vào buổi tối. Ngày hôm sau, chú rể mới có thể cùng thanh niên trong làng tham gia múa hát, đôi trẻ làm quen với nhau và cô gái trao người yêu món quà là một chiếc khăn tay để thể hiện sự trong trắng của mình.

Đám cưới tại nhà cô dâu gọi là “uzatu toy”. Đoàn bên nhà trai sang nhà gái thường chỉ gồm từ 15 - 20 người, trong đó, chú rể là người mặc bộ trang phục nổi bật nhất. Cùng lúc đó, cô dâu được đội một chiếc mũ lộng lẫy, xem của hồi môn, sửa soạn đồ đạc, rồi nói lời từ biệt cha mẹ và người thân. Trong làng, các nghi lễ và trò vui chơi ca hát được tổ chức tưng bừng. Sáng sớm hôm sau, cô dâu được một đoàn xe đưa đến nhà trai, vừa đi cô dâu vừa hát bài hát tiễn biệt và không được phép quay đầu lại nhìn về phía nhà bố mẹ đẻ.

Đám cưới tại nhà chú rể gọi là “kelin tusiru”. Khi đến nhà trai, cô dâu phải bước qua ngưỡng cửa nhà bằng chân phải, cúi thấp người sao cho chiếc mũ “sakele” trên đầu gần chạm mặt đất. Khi bắt đầu nghi lễ kết hôn, mẹ chú rể sẽ đến gần cô dâu, hôn cô và tháo khăn che mặt. Chiếc khăn được cắt thành nhiều mảnh, đựng vào một chiếc bình buộc bên mình cô dâu, để cầu chúc cho con đàn cháu đống. Đến đây, tiệc cưới được bắt đầu và vào cuối bữa tiệc, mẹ chú rể sẽ đến cởi bỏ mũ “saukele” của cô dâu và đội mũ “kasaba” lên với ý nghĩa: cô dâu nay đã là người phụ nữ có gia đình. 

Ngày nay, đám cưới hiện đại của người Kazakhstan dần trở nên giống với đám cưới bình thường ở châu Âu. Đám cưới chỉ diễn ra trong vòng một ngày. Một số phong tục và nghi lễ được lược bỏ. Mặc dù vậy, người Kazakhstan vẫn đang cố gắng giữ gìn truyền thống của tổ tiên. Váy cưới của cô dâu dù được thiết kế cách tân, nhưng chiếc mũ “sakele” vẫn là vật không thể thiếu trong mỗi hôn lễ.