Hướng đi mới của nông dân Madagascar

Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở Itasy, miền trung Madagascar đã tìm được kế sinh nhai mới, đó là sản xuất cà-phê dơi. Với chất lượng hảo hạng, loại cà-phê này đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại đảo quốc châu Phi.

Sản phẩm cà-phê dơi sau thu hoạch. Ảnh: REUTERS
Sản phẩm cà-phê dơi sau thu hoạch. Ảnh: REUTERS

Nằm ở độ cao hơn 1.000 m so mực nước biển và là khu vực đa dạng sinh học, Itasy được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho việc trồng cà-phê. Từ đầu thế kỷ 19, những người Pháp đã đến đây và bắt đầu việc trồng giống cây này. Từ đó đến nay, loại cà-phê được trồng nhiều nhất ở Itasy là robusta. Tuy nhiên, loại hạt robusta trồng tại đây bị cho là chất lượng thấp và thường được dùng trong các loại cà-phê hòa tan. Không chỉ vậy, thời gian gần đây, đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cà-phê, việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này ở Madagascar đã trở nên vô cùng khó khăn. Dù vậy, người dân tại đảo quốc này đã tìm ra được hướng đi mới là sản xuất cà-phê dơi nhằm phát triển ngành công nghiệp này.

Theo Reuters, mọi chuyện bắt đầu từ cách đây hai năm khi doanh nhân Jacques Ramarlah giới thiệu loại hạt cà-phê bourbon pointu với nông dân ở Madagascar. Ông Ramarlah cho rằng, nếu để dơi ăn thì đây sẽ trở thành loại hạt cà-phê hảo hạng. Chính nhờ ý tưởng đó mà ông đã thay đổi cả vùng đất này. Từ sáng kiến của ông Ramarlah, người dân tại Itasy đã quyết định thử nghiệm việc sản xuất cà-phê dơi.

Cụ thể, vào tháng 2 hằng năm, khi mùa thu hoạch cà-phê tới, mùi thơm của loại hạt bourbon pointu thu hút sự chú ý của loài dơi. Khác với cách sản xuất cà-phê chồn hay voi, những con dơi sẽ không ăn nguyên hạt cà-phê mà kiên nhẫn cắn phần ngoài để tách vỏ, rồi ăn lớp bột chứa đường bên trong đó. Những hạt cà-phê sau quá trình tiêu hóa của dơi được để khô tự nhiên trước khi được thu hoạch.

Theo những người thu mua, hạt cà-phê dơi đã điều chế một hương vị rất êm và khác hẳn các loại cà-phê khác. Ông Ronald Van der Vaeken, chủ một khách sạn ở địa phương cho biết: “Cà-phê dơi thật sự rất đặc biệt. Với những loại cà-phê thông thường, chỉ sau hai phút nếm thử, bạn sẽ quên ngay vị của nó. Nhưng đối với loại cà-phê dơi này, vị còn lưu rất lâu trong miệng. Thật tuyệt vời!”.

“Trước đây, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn trong việc sản xuất cà-phê. Chất lượng cà-phê chưa cao, trong khi đó, thị trường thế giới cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều người nông dân không còn quan tâm đến loại cây này. Dù vậy, bây giờ, nó đã trở thành kế sinh nhai của chúng tôi. Nhiều nông dân đã quay trở lại và tìm đến công việc trồng cà-phê. Nếu tiếp tục phát triển loại cà-phê này, chúng tôi có thể thu hoạch được hàng tấn mỗi năm”, bà Nirina Malala Ravaonasolo, Chủ tịch Hội Phụ nữ trồng cà-phê ở Itasy cho biết. Cũng theo bà Nirina, hiện công việc sản xuất cà-phê dơi này đang thu hút lượng lớn nông dân tại Madagascar.

Đây là lần đầu loại cà-phê dơi được bán ở khu vực châu Phi. Loại cà-phê này được bán ngay ở thị trường trong nước với giá khoảng 200 euro/kg, cao gấp 50 lần so các loại cà-phê thông thường khác. Dự kiến, nông dân trong vùng sẽ sản xuất được khoảng 20 tấn cà-phê dơi trong năm 2021. Phần lớn số cà-phê này sẽ được dành để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản. Hiện, loại cà-phê này đang được tiếp thị trong các nhà hàng và khách sạn cao cấp ở Madagascar.

Theo The New York Times, thị trường cà-phê đặc sản toàn cầu được dự báo sẽ đạt 83,6 tỷ USD vào năm 2025, nhiều gấp hai lần quy mô thị trường này năm 2018. Do đó, với chất lượng tuyệt hảo, cà-phê dơi được đánh giá sẽ là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Madagascar, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này trong thời gian tới.