Cuộc thi thú vị của người Kyrgyzstan

Kok-boru là một trong những trò thi đấu thể thao phổ biến ở Kyrgyzstan và cộng đồng các dân tộc Trung Á, thường được tổ chức vào mỗi dịp lễ hội hay ngày nghỉ cuối tuần tại các trường đua ngựa, thu hút rất đông người dân đến xem.

Cuộc thi Kok-boru của người Kyrgyzstan. Ảnh: WORLD NEWS
Cuộc thi Kok-boru của người Kyrgyzstan. Ảnh: WORLD NEWS

“Kok-boru” có nghĩa là “Sói xám”. Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, môn thi đấu này có nguồn gốc từ xa xưa, thời mà những người đàn ông đi săn bắn để nuôi gia đình, còn vật nuôi trong nhà để cho những người lớn tuổi và phụ nữ trông coi. Sói thường tiến công gia súc và gây ra nhiều rắc rối cho những người ở nhà. Sau khi đi săn trở về, những người đàn ông sẽ cưỡi ngựa đuổi theo bầy sói. Khi đuổi kịp, họ sẽ bắt những con sói đang chạy trên mặt đất và ném chúng vào nhau. 

Trong quá khứ, mục đích chính của trò chơi kết hợp giữa đua ngựa và đối kháng này là huấn luyện chiến đấu. Trong khi chơi Kok-boru, người và ngựa được thử thách và rèn luyện lòng can đảm, dũng cảm và táo bạo, vốn là những phẩm chất không thể thiếu của những chiến binh.

Luật chơi quy định, các tay đua ngựa phải giành giật nhau để chiếm lấy xác một con dê, cố gắng giữ thật chắc không để cho đối phương chiếm lại, rồi chạy tới thả vào “khung thành” của đối phương là một chiếc vạc to. Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền nhiều cách chơi thú vị khác. Có nơi, người chơi phải tìm cách đưa con dê đến một địa điểm đã thỏa thuận trước, chẳng hạn như đưa về làng của mình, nơi đối thủ không còn quyền tranh giành nữa. Còn một cách chơi nữa, trong đó không giới hạn số lượng người chơi, có khi lên đến cả nghìn người cùng tham gia. Ngày nay, trong thi đấu Kok-boru thể thao, hành vi của các kỵ sĩ thường được giám sát bởi ban giám khảo gồm ba kỵ sĩ có kinh nghiệm. Theo thời gian, luật chơi cũng có nhiều thay đổi và ngày càng giảm bớt tính khắc nghiệt. 

Luật chơi Kok-boru hiện đại do đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Kyrgyzstan, Bolot Shamshiev soạn thảo và công bố năm 1996. Năm 1998, Liên đoàn Kok-boru quốc gia Kyrgyzstan được thành lập với chủ tịch đầu tiên là ông Bolot Sher. Cũng chính ông Bolot Sher vào năm 2001 đã lập ra Liên đoàn Kok-boru quốc tế. Kể từ đó, các liên đoàn Kok-boru quốc gia được thành lập ở nhiều nước khác như Kazakhstan, Nga, Trung Quốc, Tajikistan, Uzbekistan, Afghanistan, Mông Cổ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 12-2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đã chính thức đưa môn thể thao cưỡi ngựa Kok-boru của Kyrgyzstan vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Anh Chagat Almashev, người đã có nhiều năm liền tham gia tổ chức các cuộc thi đấu Kok-boru ở Kyrgyzstan nói với hãng tin TASS của Nga: “Đối với người dân bản địa, đây là một trò chơi có ý nghĩa thiêng liêng, gắn liền với những nghi lễ và truyền thuyết cổ xưa, là sự kết nối con người với động vật hoang dã, khi đàn ông muốn có cảm giác như loài sói, muốn cảm nhận sức mạnh của loài vật. Bất chấp những biến động của thời cuộc, trò chơi truyền thống này vẫn được bảo tồn cho đến tận ngày nay”.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho những trận thi đấu khốc liệt, các chú ngựa phải được tuyển chọn và huấn luyện theo cách đặc biệt. Ngựa phải sống trên núi hai năm liền trong điều kiện gần như hoang dã. Sau đó, người ta mới lựa chọn những chú ngựa khỏe mạnh, có sức chịu đựng dẻo dai để đem đi thi đấu. Ngựa chiến thường được chọn từ giống ngựa miền núi Altai hay giống Oryol. 

Người dân vùng núi Altai ngày nay vẫn cố gắng tuân thủ nghiêm luật chơi truyền thống của trò đua ngựa bắt dê. Họ sử dụng xác của một con dê thật, bỏ đi phần đầu, sau đó khâu lại. Sau khi cuộc thi đấu kết thúc, thịt dê được chế biến theo một cách đặc biệt với nhiều loại gia vị đặc trưng. Tất cả những người tham gia đều được thưởng thức. Tục lệ này vẫn được gìn giữ cho đến tận ngày nay.

Kok-boru chứa đựng câu chuyện thú vị về những nghi lễ cổ xưa của cộng đồng người Trung Á. Tục lệ này không những được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nuôi dưỡng lòng dũng cảm và lòng yêu nước của những người trẻ tuổi, mà còn được phát triển thành một môn thi đấu thể thao phổ biến. Từ đó khẳng định tính trường tồn trong lòng dân tộc của những giá trị văn hóa phi vật thể.