Yêu cầu công lý của người dân Colombia

Mới đây, Chính phủ Colombia yêu cầu dẫn độ Salvatore Mancuso (56 tuổi), cựu chỉ huy tổ chức bán quân sự mang tên Lực lượng Phòng vệ thống nhất Colombia (AUC), về nước để xét xử về nhiều tội ác kinh hoàng đối với dân thường Colombia trong thời gian xảy ra cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ. Tuy nhiên, yêu cầu dẫn độ và đòi lại công lý của người dân Colombia đang gặp bế tắc.

Salvatore Mancuso (giữa) bị các đặc vụ DEA áp giải vào năm 2008. Ảnh: THE GUARDIAN
Salvatore Mancuso (giữa) bị các đặc vụ DEA áp giải vào năm 2008. Ảnh: THE GUARDIAN

Salvatore Mancuso sinh ra trong một gia đình có cha là người Italia nhập cư và mẹ là người địa phương ở TP Montería, thủ phủ tỉnh Córdoba (Colombia). Năm 1995, y tham gia nhóm bán quân sự “Autodefensas Campesinas de Córdoba y Urabá” (tạm dịch là “Những nông dân tự vệ của Córdoba và Urabá”), nhằm chống lại hành vi tống tiền và lạm dụng bạo lực của Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) tại các điền trang. Tới tháng 4-1997, tổ chức này đã mở rộng và đổi tên thành AUC.

Theo thời gian, AUC dưới sự lãnh đạo của Mancuso trở nên biến chất và gây ra rất nhiều hành động bạo lực, tội ác tàn khốc với dân thường Colombia, đồng thời tham gia hoạt động buôn bán ma túy. Cụ thể, Mancuso cùng lực lượng AUC là những kẻ chịu trách nhiệm cho ít nhất 53.000 tội ác vi phạm nhân quyền đối với nhân dân Colombia từ năm 1995 đến 2005. Ngày 24-9-2002, Salvatore Mancuso chính thức bị Chính phủ Colombia và giới chức Mỹ buộc tội buôn bán ma túy. Ngày 15-1-2007, Mancuso thừa nhận trước tòa án Colombia đã gây ra nhiều tội ác như vụ thảm sát tại Pueblo Bello năm 2006, vụ thảm sát Ituango năm 2008… Tuy nhiên, y đã bị dẫn độ sang Mỹ để thụ án 12 năm tù về tội buôn bán ma túy từ năm 2008.

Tháng 3-2020, tòa án Mỹ trả tự do cho Mancuso và quyết định trục xuất y sang Italia sau khi các luật sư bào chữa cho Mancuso tuyên bố, y sẽ nguy hiểm tính mạng nếu trở lại Colombia với lý do mâu thuẫn với nhiều quan chức chính phủ nước này. Từ ngày 27-3 tới nay, Mancuso đang chịu sự giám sát của Cơ quan Thực thi Di trú & Hải quan Mỹ (ICE). Ngày 15-4, cơ quan này cũng đã chấp thuận làm thủ tục cho Mancuso được sang Italia. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất cảnh của Mancuso bị tạm hoãn. Từ đầu tháng 7 đến ngày 7-8, y liên tục viết thư, gửi email và gọi điện trực tiếp yêu cầu ICE thiết lập lộ trình khởi hành đến Italia, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trước tình hình đó, ngày 11-8, Tòa án Thượng thẩm Bogotá (Colombia) đã đưa ra bộ tài liệu kết tội Mancuso dày 155 trang và ban hành lệnh bắt giữ mới đối với y. Trước đó, cơ quan này cũng thúc giục Bộ Tư pháp Colombia đưa ra yêu cầu Mỹ dẫn độ Mancuso trở lại Colombia. Trên mạng xã hội Twitter ngày 25-8 vừa qua, Tổng thống Colombia, Iván Duque tuyên bố: “Salvatore Mancuso có món nợ to lớn trước công lý và người dân Colombia. Vì lý do đó, tôi đã yêu cầu dẫn độ y. Tội ác của Mancuso phải bị trừng phạt thích đáng”.

Không chỉ Chính phủ Colombia, mà tất cả nạn nhân phải chờ đợi nhiều năm cho một phiên tòa xét xử Mancuso và đồng phạm tại AUC cũng tỏ ra bất bình trước ý định “trốn chạy” sang Italia của y. Yirley Velasco (34 tuổi), là một nạn nhân, đã bị cấp dưới của Mancuso cưỡng bức khi mới 14 tuổi và tận mắt chứng kiến y sát hại nhiều người trong làng. “Hằng ngày, chúng tôi vẫn chịu đau khổ vì những tổn thương do Mancuso và tay chân của y gây ra. Vậy làm sao có thể gọi là công bằng với các nạn nhân khi thấy thủ phạm sẽ được sống thoải mái ở Italia?”, nhân chứng Velasco bày tỏ.

Nếu bị dẫn độ về Colombia, Mancuso sẽ bị xét xử với hơn 30 bản án và hình phạt có thể lên tới hơn 40 năm tù giam vì những tội danh nghiêm trọng như giết người, cưỡng bức phụ nữ và trẻ em, tra tấn và sát hại người vô tội... Để xét xử những tội ác mà Mancuso và AUC đã gây ra, chính quyền Colombia phải tìm cách dẫn độ y về nước. Tuy nhiên, sau phán quyết của tòa án Mỹ trục xuất đối tượng này sang Italia, yêu cầu đòi lại công lý của người dân Colombia trở nên bế tắc do tại Italia, Mancuso vẫn được giữ quyền công dân và Italia chưa có thỏa thuận dẫn độ với quốc gia Nam Mỹ này.