Thủ lĩnh mới của AQIM trong “tầm ngắm”

Islamic Maghreb (AQIM), chi nhánh của mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda ở khu vực Bắc Phi, đã chọn Abu Ubaida Yusuf al-Annabi làm thủ lĩnh mới sau khi cựu thủ lĩnh Abdelmalek Droukdel bị tiêu diệt hồi tháng 6. Các động thái tiếp theo của AQIM dưới sự chỉ đạo của al-Annabi đang được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của giới chức an ninh nhiều quốc gia. 

Binh sĩ Pháp làm nhiệm vụ tại Mali. Ảnh: NEWS WEEK
Binh sĩ Pháp làm nhiệm vụ tại Mali. Ảnh: NEWS WEEK

AQIM có tiền thân là GSPC, một nhóm cực đoan tách khỏi Nhóm vũ trang Hồi giáo (GIA) tại Algeria. Ban đầu, Droukdel nắm quyền lãnh đạo GSPC giai đoạn 2004 - 2006. Sau đó, y thề trung thành với al-Qaeda và đổi tên GSPC thành AQIM trong năm 2007. Theo báo cáo của LHQ mô tả, Droukdel là đối tượng thông thạo về chất nổ, từng chế tạo nhiều quả bom giết hại hàng trăm dân thường trong các vụ tiến công địa điểm công cộng, như vụ đánh bom các văn phòng của Ủy ban tị nạn LHQ tại Algeria, khiến 33 người chết và 177 người bị thương năm 2013.

Ngày 4-6 vừa qua, quân đội Pháp tuyên bố đã tiêu diệt được Droukdel ở Mali sau hơn bảy năm săn lùng y tại khu vực Sahel. Theo thông tin từ SITE, tổ chức có trụ sở tại Mỹ chuyên giám sát các trang web của nhiều nhóm cực đoan và thánh chiến, Abu Obaida Yusuf al-Annabi (tên thật là Sheikh Mujahid Yazid Mubarak) đã được AQIM chọn để kế nhiệm Droukdel. 

Trước khi trở thành lãnh đạo AQIM ngày 21-11 vừa qua, al-Annabi nắm vị trí đứng đầu “Hội đồng chức sắc”, nơi đưa ra các quyết định quan trọng nhất của AQIM. Y cũng là thành viên của Hội đồng Shura quản lý các vấn đề pháp lý Hồi giáo của tổ chức này. Bên cạnh đó, al-Anabi còn xuất hiện thường xuyên trong các video do kênh truyền thông Al-Andalus Media Productions của AQIM sản xuất. Y thường kích động người Hồi giáo đáp trả bằng vũ lực nhằm phản đối việc Pháp và một số nước phương Tây “can thiệp” vào Mali, đồng thời kêu gọi thanh niên Hồi giáo ở khu vực Sahara và Sahel tham gia thánh chiến. Với sự hậu thuẫn của al-Annabi nhằm tiến hành cuộc thánh chiến địa phương và khủng bố quy mô quốc tế, ngày 29-9-2015, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt al-Annabi vào Danh sách “Những kẻ khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt” (SDGT).

Suốt nhiều năm, al-Annabi chủ yếu xuất hiện trong vai trò “thủ lĩnh tinh thần”, kêu gọi những kẻ cực đoan và cả những người Hồi giáo ôn hòa tham gia thánh chiến chống lại Pháp và các nước phương Tây. Tháng 1-2016, al-Annabi phát đi một thông điệp kích động người theo đạo Hồi ở Libya tham gia cuộc chiến chống lại quân đội Libya và lực lượng Pháp ở TP Benghazi của nước này. Tháng 2 cùng năm, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã liệt al-Annabi vào danh sách những cá nhân có liên quan việc tham gia tài trợ, lập kế hoạch, tạo điều kiện, chuẩn bị hoặc thực hiện các hành vi hoặc hoạt động khủng bố của AQIM. Tới ngày 9-3-2019, trong các cuộc diễu hành đường phố phản đối chính phủ của Tổng thống Algeria, ông Abdelaziz Bouteflika, al-Annabi tiếp tục kêu gọi người Hồi giáo đoàn kết để bảo đảm rằng, Algeria được cai trị theo luật Hồi giáo và người dân Algeria được sống theo quy chuẩn đạo đức Hồi giáo. 

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông Pháp France-24 đầu năm 2019, al-Annabi đã thảo luận về cách AQIM tiếp tục thực hiện các cuộc tiến công chống lại sự hiện diện quân sự của Pháp ở Sahel và đặc biệt là mối liên hệ của AQIM với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong mối liên quan giữa hai tổ chức khủng bố này, al-Annabi tuyên bố IS và AQIM không có bất đồng hay xung đột ở Sahel, nhưng y khẳng định AQIM là lực lượng nguy hiểm hơn nhiều so IS. 

Tuy nhiên, ông Alex Thurston, nhà khoa học chính trị tại Đại học Cincinnati (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu Hồi giáo ở Tây Bắc châu Phi, lại đưa ra một số phân tích: “Al-Annabi được biết đến nhiều hơn trong vai trò một nhà tuyên truyền và học giả tôn giáo của AQIM hơn là một thủ lĩnh khủng bố nhiều kinh nghiệm thực chiến như Abdelmalek Droukdel. Theo tôi, đây dường như là dấu hiệu dự báo cho sự suy yếu và chia rẽ về định hướng chiến lược trong nội bộ AQIM, trong bối cảnh tổ chức chi nhánh khác của al-Qaeda và chính IS đang nhăm nhe tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này”.