Sóng gió liên tiếp tại Samsung

Ông Lee Jae-yong (trong ảnh), Phó Chủ tịch đồng thời là người thừa kế Tập đoàn công nghệ điện tử Samsung của Hàn Quốc đã thoát khỏi lệnh bắt giữ ngày 9-6 vừa qua, sau khi Tòa án Seoul bác bỏ yêu cầu trước đó của các công tố viên. Tuy nhiên, các cáo buộc nhắm vào ông Lee đã gây ảnh hưởng đến danh tiếng của tập đoàn công nghệ điện tử lớn nhất Hàn Quốc.

Ảnh: GETTY IMAGES
Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 8-6, Tòa án Hàn Quốc đã mở phiên sơ thẩm phục vụ cuộc điều tra thương vụ sáp nhập hai công ty con của Tập đoàn Samsung. Mục đích của phiên tòa là xem xét quyết định tạm giam Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, sau khi các công tố viên Hàn Quốc hôm 4-6 đề nghị bắt giữ ông này trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan việc sáp nhập một số công ty của tập đoàn. Ngoài ông Lee Jae-yong, cơ quan công tố cũng đề nghị bắt giam cựu Giám đốc Bộ phận chiến lược của Samsung, ông Choi Gee-sung và cựu Giám đốc Chiến lược, ông Kim Jong-joong.

Tuy nhiên, sau đó Tòa án Seoul đã bác bỏ yêu cầu của các công tố viên, cho rằng các chứng cứ chưa đầy đủ. Do đó, “Thái tử” Lee Jae-yong của Samsung cũng chưa bị buộc tội. Các công tố viên cho rằng quyết định của tòa án là một điều đáng tiếc, song họ vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra. Các công tố viên có thể xin lệnh bắt giữ ông Lee một lần nữa sau khi có đầy đủ bằng chứng buộc tội.

Theo Reuters, trước đó Viện Kiểm sát Hàn Quốc cáo buộc Phó Chủ tịch Lee liên quan các giao dịch bất hợp pháp và thao túng cổ phiếu để tiến hành sáp nhập hai công ty Samsung C&T và Cheil Industries năm 2015. Ngoài ra, ông bị cáo buộc đã góp phần thổi phồng giá trị của công ty Samsung Biologics Co Ltd, nơi Cheil Industries là cổ đông lớn. Thời điểm đó, quyền lực của ông Lee Jae-yong được cho là không đủ mạnh để tiếp quản vị trí người thừa kế tập đoàn, do ông này chỉ có cổ phần nhỏ trong các công ty con của Samsung, nên quyền kiểm soát tập đoàn có thể rơi vào tay các cổ đông khác. Tuy nhiên sau đó, vụ sáp nhập hai công ty đã giúp ông Lee củng cố quyền lực, nắm quyền chi phối nhiều hơn. Vụ sáp nhập này đã gây ra nhiều tranh cãi, bị chỉ trích là “bóp nghẹt” lợi ích của các cổ đông khác.

Trước những cáo buộc của Viện Kiểm sát, ngày 5-6, đại diện truyền thông của Tập đoàn Samsung đã lên tiếng phủ nhận việc ông Lee thao túng cổ phiếu, cho rằng những cáo buộc là “vô căn cứ”, đồng thời khẳng định ông Lee vô tội. Các luật sư của ông Lee cũng bày tỏ hy vọng cơ quan chức năng sẽ điều tra một cách nghiêm túc vụ việc để trả lại công bằng cho thân chủ của họ. Trong một thông báo đưa ra cuối tuần qua, Tập đoàn Samsung cho rằng những cáo buộc đối với Phó Chủ tịch của họ sẽ gây sức ép đến việc điều hành công việc chung, trong bối cảnh tập đoàn đang trải qua khoảng thời gian khủng hoảng nặng nề vì đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu “Thái tử” của Tập đoàn Samsung vướng vào các vấn đề pháp lý. Năm 2017, ông Lee từng bị kết án 5 năm tù vì tội hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm có được sự hậu thuẫn của chính phủ trong việc sáp nhập hai công ty con. Tuy nhiên, sau hơn một năm ông Lee thụ án, một tòa án phúc thẩm của Hàn Quốc tuyên bố ông chỉ phải chịu mức án tù treo vì hối lộ. Ông Lee được ân xá vào tháng 2-2018. Tháng 2 vừa qua, ông Lee cũng bị cáo buộc “thường xuyên” tiêm bất hợp pháp propofol, loại thuốc an thần chỉ có thể được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ tại một thẩm mỹ viện và nhà riêng trong vài năm qua. Ông Lee đã phủ nhận cáo buộc và khẳng định chỉ sử dụng theo đơn của các bác sĩ.

Ông Lee Jae-yong, 51 tuổi, là con trai duy nhất của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee. Từ khi ông Lee Kun-hee lên cơn đau tim và rơi vào hôn mê năm 2014, việc người thừa kế tập đoàn này vẫn còn gây tranh cãi. Trước đó, nhiều cổ đông đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng điều hành tập đoàn chiếm đến một phần năm GDP Hàn Quốc của ông Lee Jae-yong. Giới phân tích cho rằng, những bê bối liên tiếp trong những năm gần đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vai trò thừa kế của ông Lee, cũng như uy tín của Tập đoàn Samsung.