Mối lo an ninh tại Philippines

Mới đây, hai vụ nổ bom liên tiếp đã xảy ra ở đảo Jolo, tỉnh Sulu, phía nam Philippines, khiến 10 người chết và hàng chục người bị thương. Vụ việc trên tiếp tục cho thấy thách thức trong công tác bảo đảm an ninh tại quốc gia này sau những vụ việc tương tự, đặc biệt là vụ tiến công đẫm máu cũng tại Jolo năm 2019. 

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đánh bom tại Jolo. Ảnh: AP
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ đánh bom tại Jolo. Ảnh: AP

Reuters cho biết, ngày 24-8, một chiếc xe mô-tô chở bom đã lao vào hai xe tải quân sự đang đỗ trước một trung tâm ăn uống tại Jolo và phát nổ, khiến chín người thiệt mạng, gồm năm binh sĩ và bốn dân thường, cùng 37 người khác bị thương. Khoảng một giờ sau, khi cảnh sát đang vây ráp và phong tỏa con phố nơi diễn ra vụ việc, một phụ nữ đã thực hiện vụ đánh bom liều chết thứ hai gần nhà thờ Our Lady of Mount Carmel, cách hiện trường vụ nổ thứ nhất khoảng 70 m. Kẻ tiến công tử vong tại chỗ và khiến thêm ít nhất 16 người thuộc lực lượng chức năng cùng 24 người dân khác bị thương. Cảnh sát đang truy lùng các nghi phạm và xác định động cơ vụ tiến công, đồng thời tìm kiếm các thiết bị nổ có thể ở những nơi khác. 

Dù chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm, song chính quyền Philippines cáo buộc nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf thề trung thành với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) là thủ phạm gây ra vụ đánh bom kép nói trên. Bởi, tỉnh Sulu là nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo và cũng là thành trì của các tay súng thuộc Abu Sayyaf. Không chỉ vậy, cách đây hai tuần, Abduljihad Susukan - thủ lĩnh chủ chốt của tổ chức này, đã bị chính quyền Philippines bắt giữ. Do đó, không loại trừ khả năng các vụ nổ bom ngày 24-8 là nhằm mục đích trả thù.

Theo lực lượng chức năng Philippines, Abu Sayyaf đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Nhóm này chuyên gây ra các vụ tiến công khủng bố ở Philippines, đồng thời đứng sau nhiều vụ bắt cóc các du khách nước ngoài để đòi tiền chuộc. Trong những năm qua, lực lượng an ninh Chính phủ đã liên tục phải chiến đấu chống lại nhóm này. Ngoài Abu Sayyaf, ở Sulu còn có một nhóm nhỏ các chiến binh thánh chiến trẻ có liên kết IS, từng thực hiện các vụ tiến công dã man nhằm vào dân thường.

Sau vụ đánh bom ở Jolo, nhiều nước trên thế giới đã lên án mạnh mẽ, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ Philippines và gia đình các nạn nhân, bày tỏ tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu của vụ tiến công sẽ bị trừng trị thích đáng.

Theo Reuters, vụ đánh bom kép diễn ra trong bối cảnh Luật Bangsamoro đã được phê chuẩn tại nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2019. Đây là một đạo luật mở đường cho việc thiết lập một vùng tự trị rộng lớn hơn cho người Hồi giáo Philippines tại hòn đảo lớn thứ hai của nước này là Mindanao, khu vực được xem là thành trì của phiến quân Hồi giáo. Việc phê chuẩn đạo luật này được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và phát triển cho khu vực miền nam Philippines vốn rơi vào nhiều thập kỷ xung đột, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và biến vùng đất này thành nơi đói nghèo. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Sulu, trong đó có đảo Jolo, đã bác bỏ đạo luật trên trong một cuộc trưng cầu ý dân. 

Đây là vụ tiến công lớn nhất ở Jolo kể từ vụ đánh bom kép tại một nhà thờ hồi tháng 1-2019, khiến hơn 20 người thiệt mạng và ít nhất 100 người bị thương. Một nhánh thuộc Abu Sayyaf đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom kép này. Từ sau khi vụ đánh bom xảy ra, cảnh báo an ninh mức cao nhất đã được ban bố trên toàn Philippines. Lực lượng an ninh nước này cũng được tăng cường nhằm bảo vệ tất cả các địa điểm tôn giáo và nơi công cộng, nhiều biện pháp an ninh cũng được khởi động để chủ động ngăn chặn các kế hoạch thù địch.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vụ đánh bom kép xảy ra gần đây tiếp tục cho thấy công tác bảo đảm an ninh tại Philippines còn đối mặt nhiều khó khăn, đòi hỏi chính phủ nước này cần áp dụng thêm những biện pháp hữu hiệu hơn nữa nhằm ngăn chặn các vụ tiến công khủng bố.