Lỗ hổng kiểm soát an toàn bay ở Pakistan

Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Pakistan mới đây cho biết, hơn 30% phi công nước này có thể đã thuê người thi lấy bằng và không đủ khả năng điều khiển máy bay. Tuyên bố trên đã khiến Cơ quan Hàng không dân dụng Pakistan hứng chịu “mưa” chỉ trích trong việc kiểm soát an toàn bay.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng PIA. Ảnh: AFP
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng PIA. Ảnh: AFP

Phát biểu ý kiến trước Quốc hội Pakistan hôm 24-6 vừa qua, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Pakistan Ghulam Sarwar Khan cho biết, có tới 262 trong tổng số 860 phi công đang hoạt động, bao gồm phi công của các hãng bay Pakistan International Airlines (PIA), Serene Air và Air Blue có thể đã không tự mình tham gia kỳ thi lấy bằng lái máy bay mà nhờ người thi hộ. Ông Ghulam cho biết thêm, chính phủ nước này đã quyết định điều tra tất cả phi công có “giấy phép đáng ngờ”. Những người sở hữu giấy phép giả sẽ phải chịu cáo buộc hình sự.

Tiết lộ gây chấn động về các phi công Pakistan được đưa ra khi ông Khan trình bày báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không quốc gia Pakistan (PIA) trước Quốc hội. Trước đó, ngày 22-5, chỉ ba ngày sau khi Pakistan nối lại các chuyến bay bị tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19, chiếc Airbus A320 mang số hiệu PK8303 của PIA đã gặp nạn và lao xuống khu vực dân cư đông đúc. Vụ tai nạn đã khiến 97 người trên máy bay và một em nhỏ trên mặt đất thiệt mạng. Chỉ có hai người trên máy bay sống sót. Đây được xem là tai nạn hàng không tồi tệ nhất ở Pakistan kể từ năm 2012, thời điểm chiếc máy bay Boeing 737 của Bhoja Air rơi ở Islamabad khiến 127 người thiệt mạng.

Hai ngày sau, lực lượng chức năng Pakistan đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay xấu số. Ngày 1-6, hộp đen này được gửi sang Pháp để tiến hành phân tích. Dữ liệu hộp đen cho thấy, trong lần hạ cánh thứ nhất, phi công đã giảm độ cao quá nhanh và duy trì vận tốc lớn. Thiết bị hạ cánh được kích hoạt để chuẩn bị đáp nhưng sau đó lại gập vào, khiến máy bay quệt động cơ xuống đường băng trong khi máy bay đang ở vận tốc hơn 327 km/giờ. Sau lần hạ cánh thứ nhất không thành công, máy bay tiếp tục cất cánh, bay trên không trung suốt 17 phút để tìm cách hạ cánh lần hai. Trong thời gian này, cả hai động cơ của máy bay bị hỏng và ngừng hoạt động sau cú va chạm mạnh kể trên.

Điều đáng nói, trong quá trình kiểm tra máy ghi âm trên máy bay, giới chức nước này phát hiện nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do cả hai phi công đều không tuân thủ quy trình bay. Cụ thể, lực lượng chức năng cho biết, hai phi công không tập trung vào việc điều khiển máy bay vì mải trao đổi về dịch Covid-19. Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Pakistan cũng khẳng định: “Chiếc Airbus A320 hoàn toàn phù hợp với chuyến bay và không có lỗi kỹ thuật, tuy nhiên hai phi công đã không tập trung. Sau khi nhận được yêu cầu không hạ cánh vì không đủ điều kiện, phi công cho rằng có thể kiểm soát được tình hình rồi tiếp tục thảo luận về Covid-19. Các phi công đã “quá tự tin” về việc hạ cánh, mà phớt lờ hướng dẫn của kiểm soát không lưu và cơ quan quản lý hàng không”. Trong khi đó, cơ quan điều tra cũng phát hiện một số sai phạm của trạm kiểm soát không lưu.

Theo CNN, cùng ngày thông báo chấn động về việc nhiều phi công sử dụng bằng giả được công bố, PIA đã sa thải 150 trong tổng số 434 phi công của hãng này. Người phát ngôn PIA cho biết, những phi công nói trên bị phát hiện “dùng bằng giả hoặc nghi ngờ dùng bằng giả”. “PIA thừa nhận đây không chỉ là vấn đề của riêng hãng mà còn lan rộng ra toàn bộ ngành hàng không Pakistan. Một số phi công nhờ thi hộ cũng đang làm việc cho các hãng hàng không nước ngoài”, người phát ngôn của PIA nhấn mạnh.

Đến nay, đã có 54 phi công Pakistan bị triệu tập để điều tra, 9 người đã thừa nhận sử dụng bằng giả. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã lên án gay gắt tình trạng trên, cho đây là “sai sót nghiêm trọng” của Cơ quan Hàng không dân dụng Pakistan trong việc kiểm soát an toàn, cấp giấy phép bay cho phi công. Năm quan chức cấp cao của cơ quan này đã bị sa thải. IATA khẳng định, nếu giới chức Pakistan không có những biện pháp mạnh tay nhằm giải quyết, nạn bằng giả của phi công sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.