Dự án đưa phụ nữ lên mặt trăng của NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và ba đối tác của nước này đang triển khai dự án mang tên “Chương trình Artemis”, được đặt theo tên của nữ thần Artemis trong thần thoại Hy Lạp. Theo đó, vào năm 2024, NASA sẽ đưa người phụ nữ Mỹ đầu tiên lên bề mặt “chị Hằng”.

Các kỹ sư của NASA giới thiệu với đối tác về Chương trình Artemis. Ảnh: NASA
Các kỹ sư của NASA giới thiệu với đối tác về Chương trình Artemis. Ảnh: NASA

“Chương trình Artemis” là kế hoạch hợp tác công tư giữa NASA và ba công ty Mỹ nhằm xây dựng hệ thống bãi đáp cho tàu vũ trụ trên mặt trăng, với chi phí gần một tỷ USD. Ba công ty đối tác của NASA gồm Blue Origin, Dynetics và SpaceX. Ông Jim Bridenstine, nhà quản lý của NASA cho biết, với kế hoạch này, Mỹ sẽ hoàn tất tham vọng đưa các nhà du hành vũ trụ trở lại mặt trăng vào năm 2024.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lắng nghe Tổng Giám đốc NASA, ông Jim Bridenstine, trình bày kế hoạch cũng như công nghệ thám hiểm không gian mới của các nhà khoa học NASA. Ông Bridenstine cho biết: “Năm 2024, chúng ta sẽ thực hiện chuyến du hành mặt trăng với một nhóm phi hành gia có trình độ cao, gồm cả phụ nữ. Mục đích của chúng tôi khi đưa người lên mặt trăng là nghiên cứu quá trình sinh sống và làm việc trên một môi trường khác ngoài Trái đất. Chúng tôi chọn mặt trăng vì hành trình đến mặt trăng chỉ mất ba ngày và hành trình trở về cũng là ba ngày. Điều này cũng để chuẩn bị nền tảng công nghệ cho cuộc thám hiểm của con người đến sao Hỏa sau này”.

Các quan chức NASA thông báo, cơ quan này đã ký hợp đồng với ba công ty trên để xây dựng hệ thống bãi đáp trên mặt trăng. Từng nhà thầu sẽ đưa ra khái niệm về hệ thống hạ cánh của con người và đến cuối tháng 2-2021, các quan chức NASA sẽ xem xét những đề xuất của họ để quyết định nhà thầu nào sẽ trúng thầu “Chương trình Artemis”, bảo đảm sứ mệnh đưa con người lên bề mặt mặt trăng. Ông Lisa Watson-Morgan, quan chức cấp cao tại Trung tâm Không gian Marshall ở Huntsville, bang Alabama (Mỹ) tin tưởng rằng, với sự hợp tác với NASA, ba công ty sẽ giúp chương trình thành công.

“Chương trình Artemis” được triển khai vào năm 2024, nghĩa là đúng 55 năm sau khi con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969. Năm 1961, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy phát biểu ý kiến trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ và đề nghị đưa người Mỹ lên mặt trăng và trở về Trái đất một cách an toàn. Sau đó, nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong đã thực hiện thành công chuyến bay của tàu vũ trụ Apollo 11 vào ngày 20-7-1969 và trở thành người đầu tiên đặt chân xuống bề mặt mặt trăng. Tiếp theo đó, chuyến bay ngày 11-12-1972 của tàu Apollo 17, do phi hành gia Eugene Cernan điều khiển, cũng đã đáp xuống mặt trăng. Đến nay, chỉ có 12 người từng đổ bộ lên mặt trăng trong sáu sứ mệnh của tàu Apollo do người Mỹ thực hiện.

Cũng như những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump luôn giữ cam kết thúc đẩy khám phá không gian. Ngày 11-12-2017, “ông chủ” Nhà trắng đã ký sắc lệnh quy định các chương trình thám hiểm mặt trăng một cách chính thức. Các quan chức NASA hy vọng chính sách này là một công cụ để phát triển những chương trình thám hiểm mặt trăng và các dự án khám phá sâu hơn trong không gian. Với “Chương trình Artemis”, NASA coi đây là một điểm xuất phát cho các cuộc thám hiểm không gian mới, trong đó có tham vọng chinh phục sao Hỏa.

Tuy nhiên, hiện NASA vẫn cần chuẩn bị khá nhiều về mặt kỹ thuật. Theo đó, cơ quan này vẫn đang phát triển tàu vũ trụ để đưa người lên mặt trăng sao cho an toàn nhất, trong khi phải hoàn chỉnh các kế hoạch nhằm bảo đảm sự thành công của sứ mệnh.