Bước ngoặt của sự đoàn kết

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar mới đây xác nhận hai bên đã nhất trí thành lập chính phủ mới và hiện tiếp tục thảo luận các vấn đề khác. Thông báo vừa qua của hai nhà lãnh đạo Nam Sudan được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt, hứa hẹn về một tương lai hòa bình cho quốc gia Đông Phi nói trên.

Tổng thống Nam Sudan (trái) và thủ lĩnh phe đối lập trong một cuộc đàm phán năm 2019. Ảnh: AP
Tổng thống Nam Sudan (trái) và thủ lĩnh phe đối lập trong một cuộc đàm phán năm 2019. Ảnh: AP

Theo Reuters, ngày 20-2, Tổng thống Nam Sudan và Thủ lĩnh phe đối lập tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia tại Nam Sudan. Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp ở Thủ đô Juba, Tổng thống Salva Kiir xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết: “Trên cương vị Tổng thống, tôi sẽ giải tán chính phủ và sau đó thành lập một chính phủ mới”. Ông cũng khẳng định sẽ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho ông Riek Machar cũng như các thành viên khác của lực lượng đối lập, đồng thời kêu gọi những người tị nạn Nam Sudan hồi hương. Thủ lĩnh phe đối lập sau đó cũng xác nhận thông tin trên.

Ngay sau khi tin tức được công bố, ngày 21-2, ông Salva Kiir đã bổ nhiệm ông Riek Machar làm Phó Tổng thống thứ nhất của nước này. Ngoài ông Machar, bốn vị trí Phó Tổng thống khác cũng được bầu theo thỏa thuận, tuy nhiên hiện các bên mới chỉ nhất trí về ba người, gồm một Phó Tổng thống đương nhiệm Taban Deng Gai; ông James Wani Igga, một nghị sĩ thuộc đảng của Tổng thống Kiir và bà Rebecca Nyandeng, một cựu bộ trưởng và từng là đồng minh của ông Kiir. Hiện, Nam Sudan đang tiếp tục quá trình bổ nhiệm các thành viên khác trong chính phủ, thống đốc của 10 tiểu bang và ba người đứng đầu các khu vực hành chính.

The New York Times cho biết, năm 2011, Nam Sudan giành được độc lập và trở thành quốc gia non trẻ nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, nội chiến đã bùng nổ tại quốc gia này, sau khi ông Kiir cáo buộc ông Machar có âm mưu đảo chính. Do hai nhà lãnh đạo đại diện cho các nhóm sắc tộc đối lập nhau, vốn đã tồn tại căng thẳng lâu dài và có lịch sử bạo lực, nên mâu thuẫn này nhanh chóng trở thành một cuộc xung đột sắc tộc toàn diện. Ước tính, khoảng 400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến này. Đây cũng được coi là thảm họa an ninh và nhân đạo chưa từng có, khiến khoảng bốn triệu người dân bị đẩy vào cảnh tha hương, trong đó hai triệu người phải sinh sống tại các trại tập trung trong nước và 1,9 triệu người tị nạn sang các nước láng giềng như Uganda, Sudan, Ethiopia và Kenya…

Tháng 9-2018, sau nhiều nỗ lực, Chính phủ Nam Sudan và đại diện phe đối lập đã ký một thỏa thuận hòa bình, trong đó thống nhất việc thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, một số điểm bất đồng giữa hai bên đã khiến cho việc thực thi thỏa thuận bị trì hoãn. Tháng 11-2019, hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán, với thời hạn thành lập chính phủ đoàn kết trong vòng 100 ngày.

Trước đó, các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc là do đôi bên không đồng thuận về vấn đề địa giới hành chính và cách phân chia các bang. Theo quan điểm của thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar, một trong những điều kiện then chốt để có thể thành lập một chính phủ đoàn kết là phải đưa Nam Sudan trở lại hệ thống quản lý hành chính gồm 10 bang hoặc 21 bang như trước khi quốc gia này giành độc lập, thay vì 32 bang như thời gian vừa qua. Ngoài ra, hai bên không thể tìm được tiếng nói chung là do những vấn đề liên quan an ninh, trong đó có việc thành lập quân đội chung và bảo đảm an toàn cho ông Riek Machar khi ông này trở lại Thủ đô Juba. Tuy nhiên, mới đây Tổng thống Kiir đã nhượng bộ hai yêu cầu này.

Trước những động thái mới đây tại Nam Sudan, giới phân tích cho rằng, dù đã nhất trí về việc thành lập một chính phủ đoàn kết, cuộc xung đột tại Nam Sudan chưa hẳn đã hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, những thay đổi vừa qua cũng là tín hiệu tích cực, giúp người dân Nam Sudan có niềm tin rằng hòa bình không còn là một giấc mơ quá xa vời.