Bất đồng giữa Pháp và Brazil

Những chỉ trích lẫn nhau giữa Tổng thống Pháp E.Macron và người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro liên quan vụ cháy rừng Amazon đang đe dọa làm leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này.

Bộ trưởng Môi trường Ola Elvestuen yêu cầu các công ty Na Uy làm ăn ở Brazil không tàn phá rừng Amazon. Ảnh: VOA
Bộ trưởng Môi trường Ola Elvestuen yêu cầu các công ty Na Uy làm ăn ở Brazil không tàn phá rừng Amazon. Ảnh: VOA

Những ngày qua, Tổng thống Pháp E.Macron đã nhiều lần chỉ trích người đồng cấp Brazil về tình trạng phá rừng Amazon và cho rằng nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ đã không tuân thủ các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Ông Bolsonaro cũng đang phải hứng chịu nhiều phàn nàn khi Pháp đưa vấn đề biến đổi khí hậu trở thành một trong những chủ đề chính trong cuộc họp của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa diễn ra ở Pháp.

Tổng thống Bolsonaro sau đó đã đáp trả người đồng cấp Pháp trên Twitter, cho rằng các phát ngôn công kích của ông Macron là “vô lý”. Ông Bolsonaro chỉ trích kế hoạch của ông Macron về việc thành lập một liên minh quốc tế để bảo vệ rừng Amazon là sự can thiệp không cần thiết, tuy nhiên ngày 28-8, ông đã chấp nhận khoản hỗ trợ trị giá 20 triệu USD của các nước G7 để phục vụ các nỗ lực dập cháy rừng ở Brazil. Người phát ngôn của Tổng thống Brazil, ông Otavio Rego Barros cho biết chính phủ nước này sẽ chấp nhận viện trợ nước ngoài giúp cứu rừng Amazon khỏi các đám cháy đang hoành hành hiện nay, với điều kiện quốc gia Nam Mỹ này có thể kiểm soát cách thức sử dụng sự trợ giúp.

Trước đó, ông Onyx Lorenzoni, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Brazil cho biết nước này đánh giá cao đề xuất của Pháp, song cho rằng nguồn tài chính này sẽ “phù hợp hơn để dành cho việc trồng rừng ở châu Âu”. Một số chính trị gia Brazil khác cũng đã bày tỏ ủng hộ nhà lãnh đạo Brazil trong cuộc “khẩu chiến” với ông Macron trên Twitter. Theo CNN, một chính khách Brazil là ông Eduardo Bolsonaro, người đang được xem xét là Đại sứ tiếp theo của Brazil ở Mỹ đã đăng lại hình ảnh cuộc biểu tình áo vàng ở Thủ đô Paris của Pháp, ám chỉ đây là biểu hiện cho thấy giới chức Pháp “kém năng lực”.

Cho đến nay, Pháp và nhiều nước châu Âu vẫn liên tục chỉ trích chính quyền của Tổng thống Brazil Bolsonaro đã không mạnh tay với nạn phá rừng. Tổng thống Macron là người đi đầu trong việc gây sức ép với Chính phủ Brazil về vấn đề này, đồng thời cho biết có thể cân nhắc khả năng sẽ ngăn chặn thỏa thuận thương mại giữa Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) với Liên hiệp châu Âu (EU).

Mối quan hệ giữa Brazil và Pháp đã trở nên căng thẳng hơn kể từ khi ông Bolsonaro đắc cử. Tháng 7 vừa qua, nhà lãnh đạo Brazil đã từng hủy cuộc gặp với một nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp và thay vào đó, ông đã đi cắt tóc và phát trực tiếp trên internet. Các nhà quan sát lo ngại các động thái “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” sẽ làm gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước và kéo theo những hệ lụy không mong muốn.

Trong khi đó, nhiều nước vẫn đang bày tỏ sự quan ngại về các đám cháy ở rừng Amazon. Ngày 27-8, Na Uy đã kêu gọi các công ty nước này hoạt động tại Brazil bảo đảm không tiến hành các hoạt động tàn phá rừng nhiệt đới Amazon trong bối cảnh “lá phổi của hành tinh” đang phải “gồng mình” với thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Bộ trưởng Môi trường Na Uy Ola Elvestuen đã có cuộc gặp với các đại diện Công ty dầu khí Equinor, Công ty sản xuất phân bón Yara và Công ty sản xuất nhôm Norsk Hydro, thảo luận về tình hình cháy rừng tại Amazon, yêu cầu các công ty này phải nắm rõ về các chuỗi cung ứng và bảo đảm không có hành động tiếp tay cho nạn chặt phá rừng. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết Berlin muốn hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật để giúp Brazil dập tắt đám cháy tại rừng Amazon.

Tình hình cháy rừng nghiêm trọng tại rừng Amazon đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nước trên thế giới. Cũng trong ngày 27-8, Tổng thống Peru, Martin Vizcarra và người đồng cấp Colombia, Ivan Duque đã cam kết hợp tác nhằm bảo vệ rừng Amazon.