Bản án của cựu Tổng thống Sudan

Mới đây, cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (trong ảnh) đã bị kết án tù với tội danh tham nhũng. Không chỉ vậy, ông cũng đang bị điều tra vì hành vi “giết người và phạm tội ác chống nhân loại”.

Ảnh: GETTY IMAGES
Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 14-12, Tòa án Sudan đã chính thức cáo buộc cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir phạm tội tham nhũng vì đã nhận hàng triệu USD từ Saudi Arabia, rửa tiền và sở hữu ngoại tệ bất hợp pháp. Với các cáo buộc này, tòa tuyên án phạt ông al-Bashir hai năm tù giam. Tuy nhiên Thẩm phán Al-Sadiq Abdelrahman cho biết, theo luật pháp Sudan, những phạm nhân từ 70 tuổi trở lên sẽ không phải thụ án trong nhà tù, do đó ông al-Bashir (năm nay đã 75 tuổi) sẽ bị giam giữ tại một trung tâm cải tạo cộng đồng.

Trước đó, ông al-Bashir đã bị giam tại một nhà tù ở Thủ đô Khartoum kể từ khi ông bị lật đổ sau hơn 30 năm cầm quyền trong cuộc đảo chính vào tháng 4 vừa qua. Trong quá trình khám xét nhà riêng của ông, lực lượng an ninh Sudan đã tìm thấy một căn phòng chứa tiền, trong đó có tới bảy triệu USD và 5,7 triệu bảng Sudan. Trong phiên tòa xét xử ông al-Bashir lần thứ nhất vào tháng 9 vừa qua, Thiếu tướng Yasser Bashir, cựu Chánh Văn phòng Tổng thống Sudan giai đoạn 2015 - 2018 khai báo: “Ông al-Bashir là người duy nhất có chìa khóa phòng chứa tiền. Tôi chỉ có nhiệm vụ giao tiền theo lệnh của tổng thống”.

Theo đó, Yasser Bashir từng được cựu tổng thống đưa hơn 10 triệu USD tiền mặt từ căn phòng bí mật trong dinh thự để giao cho nhiều bên trong những tháng cuối trước khi ông này bị lật đổ. Cụ thể, ông này được yêu cầu giao hơn năm triệu USD cho Abdelrahim Dagalo, em trai của Mohammed Dagalo, chỉ huy đơn vị bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) và được cho là tướng có ảnh hưởng nhất Sudan. Ngoài ra, ông cũng giao hơn 4,5 triệu USD cho ban quản trị Trường đại học Quốc tế châu Phi ở Khartoum, đơn vị do đảng cầm quyền của ông al-Bashir quản lý.

Ông al-Bashir thừa nhận đã nhận tiền từ Hoàng gia Saudi Arabia cũng như từ các nguồn khác, nhưng khẳng định ông không nhận hoặc sử dụng các khoản tiền này cho mục đích cá nhân mà vì mục tiêu phát triển của hai nước.

Ngay sau khi các phán quyết được tòa án đưa ra, các nhà vận động dân chủ tại Sudan khẳng định, việc ông al-Bashir bị kết án sẽ khiến ông phải trả số tiền mà ông “đã đánh cắp từ người dân Sudan”. Trong khi đó, nhiều người dân nước này cho rằng, bản án hai năm tù giam là quá khoan dung đối với hành vi tham nhũng của ông al-Bashir và cho biết sẽ xuống đường tuần hành nhằm phản đối kết quả này.

Trong thông cáo vào chiều cùng ngày ông al-Bashir bị kết án, Tổng công tố Sudan tiết lộ cựu Tổng thống Sudan cũng đang bị điều tra vì hành vi “giết người và phạm tội ác chống nhân loại” ở Sudan. Công tố viên lưu ý rằng, vị cựu tổng thống này cũng đang bị điều tra về vai trò của mình trong vụ đảo chính đưa ông lên nắm quyền cách đây 30 năm.

Trước đó, năm 2009 và 2010, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt cựu Tổng thống Sudan al-Bashir, cáo buộc ông này gây tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng trong cuộc xung đột ở khu vực Dafur, miền tây Sudan khi quân đội của ông đã tra tấn, cướp bóc, sát hại nhiều dân thường. LHQ ước tính, khoảng 200.000 - 400.000 người đã chết và hơn 2,7 triệu người phải dời bỏ nhà cửa trong cuộc xung đột này. Dù vậy, chính quyền Sudan sau đó đã từ chối trao ông al-Bashir cho ICC.

Ông Omar al-Bashir lên nắm quyền tại Sudan vào năm 1989. Chịu ảnh hưởng nặng nề của phong trào Anh em Hồi giáo (MB), chính quyền dưới thời ông đã áp đặt Luật Hồi giáo nghiêm ngặt ở Sudan. Trong thời gian ông al-Bashir nắm quyền, Sudan nằm trong danh sách “các nước tài trợ khủng bố” của Mỹ. Nền kinh tế Sudan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự quản lý sai lầm kéo dài nhiều năm và các biện pháp trừng phạt của chính phủ “xứ cờ hoa”.