“Virus bất đồng”

Với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu trước thềm mùa đông năm nay, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt nguy cơ suy thoái kép lần đầu trong gần 10 năm.

Biếm họa của TOM JANSSEN
Biếm họa của TOM JANSSEN

Suy thoái kép được hiểu là nền kinh tế trải qua sự phục hồi sau một cú sốc, và thậm chí tăng trưởng trong ngắn hạn, trước khi nhanh chóng đối mặt một đợt suy thoái khác. Theo các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành, nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 2,5% trong quý cuối cùng của năm 2020 sau khi tăng kỷ lục hơn 12% trong quý III. Có tới 44 trong số 55 chuyên gia kinh tế được khảo sát cho rằng kinh tế Eurozone hiện đã tiến rất gần tới suy thoái kép.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế Eurozone sẽ suy giảm tăng trưởng trong cả năm 2021. Theo đó, buộc các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) phải có những giải pháp tài chính mạnh mẽ và dài hạn để “tăng lực” cho nền kinh tế. Phát biểu ý kiến với tờ Le Monde của Pháp mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) C.Lagarde tuyên bố, châu Âu cần phải triển khai ngay quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro cho các nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc thông qua các kế hoạch ngân sách chung của khối đang vấp phải những khó khăn lớn. Hungary và Ba Lan đã phản đối việc thông qua kế hoạch khôi phục kinh tế và ngân sách dài hạn 2021 - 2027 trị giá 750 tỷ euro của EU, do những tranh chấp về quy định pháp quyền.

Trước bất đồng nêu trên, Cao ủy EU phụ trách thương mại V.Dombrovskis hôm 18-11 đã kêu gọi một “thỏa thuận chính trị” về gói phục hồi kinh tế của EU, giúp khối này vượt qua tình hình khủng hoảng hiện tại. Trong khi đó, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cũng vừa khẳng định, EU cần thiết phải triển khai các gói kích thích tài chính và nhấn mạnh: “Chúng ta cần nỗ lực đánh bại virus mà không cần phải đóng cửa hoàn toàn kinh tế”. 

Xem ra, quyết tâm đánh bại dịch bệnh, vượt qua khó khăn của các nhà lãnh đạo EU là rất lớn. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo của khu vực này không đánh bại được “virus bất đồng” trong nội bộ, thì kinh tế Eurozone khó tránh khỏi “gục ngã” trong năm tới.