Nỗ lực đảo ngược

Không còn là đe dọa, Mỹ đã chính thức khởi động tiến trình nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ chống Iran.

Biếm họa của YASER
Biếm họa của YASER

Một tuần sau khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bác dự thảo nghị quyết do Washington thúc đẩy nhằm gia hạn trừng phạt Tehran, hôm 20-8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đích thân tới trụ sở LHQ ở New York để kích hoạt “quy trình đảo ngược”, được quy định theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran và Nhóm P5+1 ký năm 2015, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran có hiệu lực từ ngày 18-10-2015. Nghị quyết 2231 của HĐBA về phê duyệt JCPOA quy định rằng, các biện pháp trừng phạt hết hiệu lực sau 5 năm, tức vào ngày 18-10 tới. Trong JCPOA, có quy định về “quy trình đảo ngược”, còn gọi là “điều khoản chuyển lùi”. Theo đó, các bên có quyền yêu cầu khôi phục trừng phạt Iran nếu Tehran không tuân thủ cam kết theo thỏa thuận.

Trong thư gửi Chủ tịch HĐBA trong tháng 8 là Indonesia, Bộ trưởng Pompeo nêu rõ, Mỹ quyết định kích hoạt “điều khoản chuyển lùi” là bởi Iran không tuân thủ các điều khoản trong JCPOA. Mỹ khẳng định “có quyền” khởi động cơ chế trừng phạt theo JCPOA, dù đã rút khỏi thỏa thuận này. Washington còn dọa không những khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt, mà còn buộc Tehran ngừng mọi hoạt động làm giàu urani.

Về mặt lý thuyết, các Ủy viên thường trực HĐBA có 10 ngày để “chốt” quyết định có chấp thuận hay không. Nếu các bên không nhất trí, các lệnh trừng phạt Iran tự động được kích hoạt sau 30 ngày, kể từ ngày Mỹ chính thức khởi động “quy trình đảo ngược”.

Tuy nhiên, không chỉ Iran, mà các thành viên P5+1 đều không thừa nhận tính pháp lý trong bước đi của Mỹ kích hoạt “điều khoản chuyển lùi”. Nga và Trung Quốc bác bỏ, cho rằng Mỹ không có cơ sở cả về mặt pháp lý và chính trị để kích hoạt điều khoản trong thỏa thuận mà Mỹ không còn là thành viên. Bước đi của Mỹ còn có thể “làm rối loạn” hoạt động của HĐBA. Cùng quan điểm này, Đức, Pháp và Anh ra tuyên bố chung nhấn mạnh không ủng hộ đề xuất của Mỹ. Theo họ, động thái của đồng minh có thể làm sụp đổ hoàn toàn bản thỏa thuận vốn đã lung lay từ khi Mỹ đơn phương rời đi.

Không thể thúc đẩy HĐBA kéo dài lệnh cấm vận, Mỹ tìm cách khôi phục trừng phạt Iran. Khởi động “quy trình đảo ngược” theo JCPOA chẳng khác nào đảo ngược những nỗ lực cứu bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử.